Trí huệ người xưa: Nói là một năng lực, nhưng im lặng mới là cách hành xử của bậc cao nhân

dan nguyet

Vì sao các bậc thánh hiền xưa nay đều lặng lẽ? Ấy là bởi họ đã coi nhẹ mọi sự trên thế gian, lánh xa cõi hồng trần ô trọc để tâm thái tĩnh lặng tựa mặt hồ…

Là một trong “Tứ đại Phật sơn” của Trung Quốc, núi Cửu Hoa được biết đến là nơi có nhiều bậc cao tăng đã tu hành đắc Đạo. Di thể của họ dù đã viên tịch nhiều năm nhưng vẫn còn vẹn nguyên như đang nằm ngủ. Hòa thượng Đại Hưng là một trong những vị cao tăng như thế.

Và dưới đây là câu chuyện được người đời truyền tụng về phẩm cách cao quý của ông.

Chuyện kể rằng khi hòa thượng Đại Hưng còn đang tu hành trên núi, dưới chân Cửu Hoa Sơn có một gia đình rất giàu có. Họ có một người con gái tên là Tiểu Hội, đã từng hẹn ước với công tử của một gia đình quyền quý khác.

Ba năm trước khi chọn ngày hôn lễ, Tiểu Hội có mang và sinh ra một bé trai. Cha mẹ cô rất tủi nhục, vừa lo sợ vừa giận dữ, họ đã bắt cô phải nói ra sự thật.

Cuối cùng, vì không chịu được áp lực từ gia đình, Tiểu Hội khai rằng cha đứa bé chính là hòa thượng Đại Hưng trên núi Cửu Hoa Sơn.

Cha của Tiểu Hội rất tức giận, ông đã đem gia nhân lên núi làm náo động cả ngôi chùa. Họ đánh đập, chửi bới và nguyền rủa hòa thượng Đại Hưng, rồi bắt ông phải nuôi dưỡng con trai mình. Hòa thượng Đại Hưng lặng lẽ nhận đứa bé và chắp tay nói khẽ: “A Di Đà Phật!”.

Cũng kể từ đó, danh tiếng của hòa thượng Đại Hưng đã sụp đổ hoàn toàn. Bất cứ nơi nào ông đến, thiên hạ đều khinh bỉ cười nhạo và phỉ báng ông.

Thậm chí các tăng nhân trong chùa cũng không còn tôn kính ông như ngày trước nữa. Thế nhưng ông không một lời than vãn, vẫn ngày ngày xuống núi xin sữa để nuôi đứa con nghiệp chướng này.

Được sự dưỡng dục chu đáo của ông, đứa trẻ lớn nhanh như thổi lại rất khỏe mạnh và thông minh.

dan nguyet

Cứ như vậy, 3 năm trôi qua trong nháy mắt…

Một ngày kia, gia đình Tiểu Hội lại lên núi gặp hòa thượng Đại Hưng. Nhưng họ không trách mắng, cũng không nhục mạ, mà hoàn toàn trái ngược, lại quỳ gối dập đầu và xin ông tha thứ, cho phép họ được đón đứa trẻ về nhà.

Thì ra, cha của đứa trẻ chính là người chồng hiện tại của Tiểu Hội, cũng là chàng công tử đã đính hôn với cô năm xưa. Vì muốn giữ thanh danh cho vị hôn phu của mình mà Tiểu Hội phải đành lòng vu oan cho hòa thượng Đại Hưng.

Đến lúc này, vẫn với phong thái điềm nhiên và thanh thản, ông dẫn đứa trẻ đến trước mặt cha mẹ mình. Và lại chắp tay một cách cung kính, ông nói với họ: “A Di Đà Phật!”, trước khi quay trở lại thiền phòng.

Đối diện với nỗi oan khiên suốt 3 năm ròng rã, nhưng hòa thượng Đại Hưng lại lựa chọn im lặng. Ông không thanh minh, không phân bua giải thích, cũng không ca thán hay oán trách một lời, vậy mà điều đó còn có ý nghĩa hơn ngàn vạn lời nói.

dan ngjuyet

Ai đó cho rằng, khi chịu tủi nhục, khi bị đối xử bất công, làm người ai mà chẳng có quyền được đi đòi công lý? Đó không chỉ là quyền lợi chính đáng vốn được pháp luật bảo vệ, mà còn là cái lý công bình trong xã hội này.

Thế nhưng, với các bậc thánh hiền xưa nay, hết thảy mọi danh – lợi – tình – thù, hết thảy mọi được – mất ở thế gian, tất cả chỉ nhẹ nhàng như mây khói mà thôi.

Trong cuốn “U song tiểu ký” có câu đối rằng: “Sủng nhục bất kinh, khán đình tiền hoa khai hoa lạc; Khứ lưu vô ý, vọng thiên không vân quyển vân thư”, nghĩa là: ‘Không quan tâm điều hơn lẽ thiệt, ngắm trước sân hoa nở hoa tàn; Tùy ý ra đi hay ở lại, nhìn khung trời mây tụ mây tan’.

Câu đối này đã nói lên cảnh giới siêu phàm thoát tục của các bậc cao nhân: Nếu có thể xem vinh nhục cũng nhẹ nhàng như đóa hoa sớm nở tối tàn, thì mới có thể giữ cho nội tâm được bình lặng.

Và nếu có thể xem công danh lợi lộc đến rồi đi cũng thất thường như mây tụ mây tan, thì mới có thể giữ nội tâm được vô vi thanh tịnh. Do đó, được mà không hoan hỉ, mất cũng không ưu phiền, vinh mà không kinh động, nhục cũng không bận lòng.

Lý Bạch, người được coi là bậc “thi tiên” đắc Đạo, từng để lại hai câu thơ lưu danh muôn thuở rằng:

“Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh”
(Thánh hiền xưa nay đều tịch mịch
Chỉ phường thánh rượu mới lưu danh)

Vì sao các bậc thánh hiền tự cổ chí kim đều “tịch mịch”? Ấy là bởi họ đã coi nhẹ mọi sự trên thế gian, lánh xa cõi hồng trần ô trọc để tâm thái tĩnh lặng tựa mặt hồ.

Lão Tử có câu: “Thượng thiện nhược thủy” (cảnh giới cao nhất của cái thiện cũng giống như nước vậy). Chỉ có những bậc cao nhân khi đã thấu hiểu mọi sự trên đời, minh tỏ mọi lẽ thế gian mới có thể điềm nhiên mà đối mặt với tất cả.

Trung Quốc cổ xưa có rất nhiều bậc cao nhân như thế. Ví như Đào Tiềm trồng hoa cúc và hoa sen. Lý Bạch uống rượu và thưởng thức ánh trăng. Tô Thức chợp mắt trên chiếc giường mây.

Còn ở Việt Nam ta, Nguyễn Trãi lui về ở ẩn, làm bạn với thiên nhiên: “Láng giềng một áng mây bạc, Khách khứa hai ngàn núi xanh”. Nguyễn Bỉnh Khiêm lánh đời, xa rời nơi thế sự: “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ; Người khôn, người đến chốn lao xao”…

Thế gian náo nhiệt, cuộc sống tưng bừng, hết thảy mọi vật đều lôi cuốn con người ta vào cái vòng xoáy bất tận mà không thể nào thoát ra được.

Trăm năm trôi qua trong nháy mắt, đến khi mọi sự qua đi rồi con người ta mới nhận ra rằng tâm hồn mình đã bị che mờ bởi bụi hồng trần, bị chất nặng bởi những cám dỗ trong thế giới vật chất này.

Trong sự hỗn loạn ấy, chỉ có tâm tĩnh lặng của các bậc thánh nhân mới có thể vượt lên cái si mê cuồng dại của con người thế gian.

Tham khảo: Chánh Kiến  
Hồng Liên 

 

Tin Liên Quan