Kính bạch Sư Phụ,
Xin Sư Phụ giảng dạy về việc siêu độ cho người chết thế nào là đúng cách?
———
Nói về từ ngữ siêu độ, tại sao phải siêu độ?
Chúng sanh trong cõi Ta Bà trôi lăn trong vòng sanh tử từ vô thỉ kiếp cho đến ngày hôm nay, trải biết bao nhiêu điều tốt lẫn xấu, nói nôm na là tạo nghiệp. Nghiệp lành cũng là nghiệp, nghiệp dữ cũng là nghiệp. Do đó, khi một chúng sanh lìa cõi trần, nếu trong hiện kiếp, giữ mình để không phạm vào những điều sai quấy, luôn làm điều tốt, không làm điều xấu, chúng sanh đó xem như đã làm được điều tốt đẹp phần lớn.
Thầy nói phần lớn là vì cũng vẫn còn những điều không hay nho nhỏ. Nhưng, những điều nho nhỏ đó không đủ sức để tạo một nghiệp lớn, nhưng không có nghĩa rằng nó không hiện hữu. Nó vẫn hiện hữu để kết tụ lần hồi, lần hồi, trở thành một nghiệp lớn, đồng nhất
Thầy đơn cử thí dụ:
Người đó có tánh sân, nhưng không nhiều, chỉ hay càu nhàu đôi chút; thoạt xem qua thì không có gì đáng nói. Nhưng, mỗi ngày một chút, mỗi ngày một chút, nó sẽ kết tập lại thành ra một nghiệp không nhỏ. Nhưng cũng vẫn chưa đáng kể. Rồi người đó lại trôi lăn trong vòng sanh tử ở một kiếp kế tiếp. Dư âm của kiếp trước vẫn được mang theo ở kiếp kế tiếp. Và nếu kiếp kế tiếp, người đó không khắc phục được, lại cũng vẫn tiếp tục thì những nghiệp của kiếp trước cộng với kiếp kế, kết hợp lại với nhau thì lúc đó nó không còn nhỏ nữa, mà nó đã trở thành một tảng đá lớn, và sẽ làm thay đổi chúng sanh đó trên rất nhiều bình diện. Từ sự suy nghĩ cho đến hành động, cho đến sự rung động của tâm cũng bị ảnh hưởng và bị lôi kéo bởi tánh sân khi đó.
Do đó, một chúng sanh ở tại hiện kiếp không làm điều gì sai quấy, còn tạo được một chút ít phước lành, nhưng lại tạo những nghiệp rất nhỏ… những nghiệp nho nhỏ đó, đừng xem thường, nó sẽ hợp lại với những nghiệp nho nhỏ của kiếp trước, rồi thì khi chúng sanh đó qua đời, những nghiệp nho nhỏ của kiếp trước chưa đủ sức để tác hại, nhưng vì nó nhập lại với những nghiệp nho nhỏ đồng nhất của kiếp này, nên nó lại trở thành ra lớn. Và chúng sanh đó bước qua kiếp kế tiếp, lúc đó mới thật sự mang đá trên vai.
Vì vậy, khi siêu độ cho một vong linh, phải nghĩ đến điều đó. Đừng thấy những gì trước mặt mà cho rằng chỉ có trước mặt mà thôi. Có những điều không thấy được ở sau lưng. Do đó siêu độ cho một vong linh là siêu độ những gì mà vong linh đó bắt buộc phải ăn năn sám hối, cho tất cả những việc đã làm trong hiện kiếp và luôn cả trong tiền kiếp, đề phòng trường hợp những nghiệp chướng nho nhỏ đồng nhất kết hợp lại với nhau sẽ làm cho chúng sanh đó không thể cất bước dễ dàng sang kiếp tới.
Nếu vong linh đó tạo một phước lành lớn, được thác sanh về cõi trời thì cũng vẫn còn giữ lại những nghiệp nho nhỏ như Thầy đã nói. Phước tạo trước, thì sẽ được hưởng trước, nghiệp chướng đi đến sau thì sẽ đình lại cho đến khi hưởng hết phước rồi thì đến trả nghiệp chướng, cho nên cũng vẫn không tiêu mất được.
Vì thế, dù cho vong linh đó có đi về cõi trời, cũng phải giúp cho vong linh đó ăn năn sám hối, cho tiêu đi những nghiệp nho nhỏ trong tiền kiếp lẫn hiện kiếp, thì mới giúp cho vong linh đó siêu thoát được đúng ý, đúng nghĩa.
Cần phải giải thích cho vong linh hiểu rằng: đã tạo tác nghiệp chướng trong tiền kiếp lẫn hiện kiếp, vong linh đó cần phải sám hối ăn năn rất nhiều, dù rằng vong linh đó được hưởng phước về cõi trời.
Người chủ lễ phải hiểu rỏ điều đó, phải hướng dẫn cho thần thức của vong linh đó biết rõ ràng những gì sai trái. Một khi thần thức đã hiểu rõ ràng rồi, lúc đó thần thức sẽ có sự ăn năn chân thật. Giúp cho thần thức đó sám hối, ăn năn, và hồi hướng cho tất cả những nghiệp chướng (dù nho nhỏ) cũng được tiêu đi, thì sự hưởng lạc trên cõi trời mới thật sự đúng nghĩa.
Người chủ lễ phải hiểu rõ điều này để có lời giảng cho thần thức hiểu, và dẫn dắt cho thần thức biết được rõ ràng đâu là điều phải, đâu là điều trái, thì thần thức mới mở được trí sáng của mình. Và một khi mở được trí sáng, nhận chân được những gì mình đã làm không đúng, thì lúc đó, mới có thể cất bước nhẹ nhàng và hưởng phước trọn vẹn.
Kính bạch Sư Phụ,
Có phải là nói chuyện với một thần thức, họ dễ dàng nghe và chấp nhận hơn là khi họ còn thân xác?
Đúng vậy, chúng sanh khi đã lìa thân tứ đại, chỉ còn lại thần thức rất nhẹ, nhưng sự cảm nhận rất là tinh tế. Vì vậy, cần phải có người hướng dẫn. Nhưng nhớ một điều, người hướng dẫn phải rất chân thành và đem hết tâm tư mình để cứu độ cho thần thức, thì thần thức mới có sự rung động thật sự. Nếu thần thức đó nhận ra rằng người chủ lễ không có một tư cách xứng đáng, thì cũng sẽ đâm ra khinh thường và không nghe theo.
Do đó, mà việc siêu độ không mang đến một kết quả tốt đẹp. Chúng sanh khi còn sống, còn mang thân tứ đại, đôi lúc rất là bướng bỉnh, khó biểu, khó dạy, thậm chí rất là khó khuyên bảo. Đến khi chúng sanh đó thác đi rồi, thần thức cũng vẫn còn mang theo những tánh xấu đó. Cho nên, siêu độ cho thần thức này, phải đem hết tâm tư, lấy lời chân thật khuyên bảo thì thần thức sẽ nghe theo. Một khi nghe theo, thần thức rung động. Sự rung động đó là sự rung động chân thật và sẽ được giải thoát.
Nếu trong trường hợp thần thức đó ăn năn sám hối và có một ý tưởng rằng muốn được về đến Cực Lạc, thì tức khắc họ sẽ được về Cực Lạc. Vì sự rung động đó rất là chân thành, hoàn toàn không che đậy, và hoàn toàn không có sự giả dối, vì không còn bất cứ một thức nào vây quanh cả.
Vai trò của người chủ lễ rất ư là quan trọng. Không nhất thiết rằng phải là người xuất gia, trong cửa đạo mới có thể siêu độ cho một vong linh. Như Thầy đã nói, điều chủ yếu là người chủ lễ phải rất chân thành và đem hết tâm lực của mình để dẫn dắt cho thần thức, thì thần thức nhận những lời chỉ bảo chân thành đó, và hoan hỷ chấp nhận. Không bất cứ một ai có thể dối trá với thần thức được đâu.Thần thức nhận chân ai là giả dối, ai là chân thật, cho nên dù rằng không phải người trong cửa đạo, không phải là kẻ xuất gia, nhưng với một tấm lòng chân thật, một sự tha thiết muốn giúp cho thần thức, muốn khuyên bảo thần thức, thì đều có thể làm được.
Muốn làm chủ lễ để siêu độ vong linh cần phải tu tập đúng nghĩa để mới có thể đủ tư cách nói chuyện cho vong nghe. Con cứ nghĩ rằng, trên dương thế, nếu người ra nói chuyện trước đám đông là một người lê thê lết thết, rượu chè be bét, say sưa, hoặc giết người không gớm tay, hoặc láo xược, làm những điều xằng bậy, liệu rằng người đó có thể nào dẫn dắt được quần chúng hay không? Thế giới cõi âm cũng y như vậy, không khác gì đâu.
Cho nên phải ráng chăm lo tu tập, sửa đổi lấy mình, vì những nghiệp nho nhỏ trong tiền kiếp sẽ phối hợp với những nghiệp nho nhỏ trong hiện kiếp để lớn dần và phá tác trong tương lai. Cho nên cố gắng giữ tâm bình, giữ tâm thanh tịnh, giữ ý trong sạch, an lành, tánh tình không vọng động, dữ dằn, thì mới có thể làm tiêu được những nghiệp chướng xảy ra, để nó không còn có cơ hội mà kết chặt với những nghiệp chướng nho nhỏ trong tiền kiếp.
———————–
( Bạn đọc xong nếu bạn thấy ý nghĩa xin hãy chia sẻ …
Nếu bạn cảm thấy trang ” www.facebook.com/
=========================
TRUNG TÂM PHÁT HÀNH DẦN NGUYỆT
Điện thoại : 0943-666-589 — 04-66-534-534
Địa chỉ : Số 10 ngõ 43 phố Cầu Cốc – Nam Từ Liêm – Hà Nội
Website : www.dannguyet.com.vn
www.facebook.com/