Có thể tu Bồ Tát hạnh, lại hướng nâng lên trên cao là “hành Phổ Hiền đạo”. Phổ Hiền không xưng hạnh, mà xưng là đạo. Hạnh và đạo không giống nhau. Hạnh là đang tu tập. Đạo là lấy được quả vị, chúng ta nói chứng quả, thành đạo rồi. Họ chứng được quả vị gì vậy? Ở trên “Kinh Hoa Nghiêm” gọi là “Pháp Thân Đại Sĩ”. Hai người có thể hành đạo Phổ Hiền. Vị thứ thấp nhất là Bồ Tát Viên Giáo Sơ Trụ, đây là quả vị chân thật, không phải là quả nhỏ. Phổ Hiền đạo và Bồ Đề hạnh khác biệt ở chỗ nào? Xin nói với các bạn, trên sự tướng thì không có khác biệt, nhưng dụng tâm cùng trong cảnh giới hoàn toàn không như nhau. “Bồ Đề hạnh”, tâm của họ dùng là gần giống chân tâm, không phải là thuần chân, chỉ gần giống, rất gần với chân tâm. “Phổ Hiền đạo” là dùng chân tâm, quyết định không có vọng tâm, cũng chính là nói vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chân thật đã đoạn hết, nhất là ý niệm phân biệt chấp trước này vĩnh viễn không sanh. Có công phu như vậy thì “Bồ Đề hạnh” liền thành “Phổ Hiền đạo”.
Tâm mà Phổ Hiền đã dùng chính là “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”, khởi tâm động niệm đều tương ưng với mười chữ này, hơn nữa là tương ưng tự nhiên, không hề có chút miễn cưỡng làm ra. Nếu như còn có chút miễn cưỡng ở trong đó thì đó là “Bồ Đề hạnh”, không phải “Phổ Hiền đạo”. Không hề có chút miễn cưỡng, tâm tâm niệm niệm lưu xuất ra tự nhiên chính là như vậy. Dùng loại tâm này mà “lễ kính chư Phật”. Chư Phật là ai? Tất cả chúng sanh đều là chư Phật, “tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”, hạnh này là “Phổ Hiền đạo”. Trong mắt của Bồ Tát Phổ Hiền xem tất cả chúng sanh đều là cha mẹ, đều là chư Phật Như Lai. Tâm hiếu kính của Ngài viên mãn, hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng đạt đến viên mãn, đây là “Phổ Hiền đạo”. Nếu như nói tất cả chúng sanh là cha mẹ quá khứ, là chư Phật vị lai, còn thêm một chữ “quá khứ”, thêm một chữ “vị lai”, thì đó là “Bồ Đề hạnh”, không phải “Phổ Hiền đạo”. Trong “Phổ Hiền đạo” quyết định không có loại ý niệm phân biệt ở ngay trong đó. Chỗ này rất vi tế. Trong “Phổ Hiền đạo” thuần thiện, vô ác.
Nguyện thứ hai là “xưng tán Như Lai”. Thiện tương ưng với tánh đức thì xưng dương tán thán. Những cái ác trái ngược với tánh đức, không chỉ tuyệt khẩu không nói mà ngay cả ý niệm cũng không sanh. Đây là Phổ Hiền đạo. Thế nhưng ở trong Bồ Tát hạnh, trong Bồ Đề hạnh, ý niệm này vẫn tồn tại. Như chúng ta hiện tại học mười đại nguyện vương của Bồ Tát Phổ Hiền, chúng ta lễ kính đối với tất cả chúng sanh không phải xuất ra từ chân tâm, mà xuất ra từ đâu? Thuận theo giáo huấn của Phật Đà, Phật dạy chúng ta làm thế nào thì chúng ta làm như thế đó, đó không phải chân tâm. Xưng tán Như Lai, xem thấy việc tốt, việc thiện của người khác thì chúng ta xưng tán; xem thấy việc xấu của người khác, tuy là không nói, nhưng đã lưu lại ấn tượng rồi, vậy làm sao được? Bồ Tát Phổ Hiền không lưu lại ấn tượng, còn chúng ta lưu lại ấn tượng, khác biệt chính ngay chỗ này.
“Quảng tu cúng dường”, ở Bồ Tát là bố thí, ở Phổ Hiền gọi là cúng dường. Phổ Hiền là dùng tâm cung kính tối cực chân thành. Tâm cung kính chân thành tu bố thí thì gọi là cúng dường. Đối với chúng sanh bần khổ, chúng ta dùng tài vật cúng dường họ, cũng giống như cúng dường cha mẹ, tôn trưởng của chính mình vậy, giống như cúng dường chư Phật Bồ Tát vậy, quyết không có chút tâm kinh mạn. Đây là Phổ Hiền đạo. Quảng tu cúng dường, cái chữ“quảng” đó không có phân biệt, cho nên nói vô tư vô ngã, không phân tộc loại, không phân tôn giáo, tất cả đều không phân, bình đẳng mà cúng dường. Cái bình đẳng này không thể nói là cúng dường đều nhiều như nhau, mà là dùng tâm bình đẳng cúng dường. Vật để cúng dường, đó là xem nhu cầu của đối phương, xem năng lực của chính mình, tận tâm tận lực chính là viên mãn. Thế nhưng phải ghi nhớ, Đại sư Thanh Lương ở trong “Sớ Sao” giảng giải cho chúng ta nghe về “quảng tu cúng dường”: “Trong tất cả cúng dường, cúng dường pháp là tối thắng”.Hay nói cách khác, chúng ta vì tất cả chúng sanh phục vụ, hạng mục phục vụ là vô lượng vô biên. Trong nhiều hạng mục như vậy, chúng ta lấy hạng mục nào làm chủ, hạng mục nào là quan trọng nhất, chúng ta không thể không biết. Hạng mục gì vậy? Dạy học. Giáo dục là việc cúng dường đệ nhất, giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, việc này quan trọng nhất. Giúp đỡ chúng sanh đoạn ác tu thiện, đó là tiền phương tiện phá mê khai ngộ, là thủ đoạn, không phải mục đích. Mục đích là ở việc giúp chúng sanh giác ngộ. Giúp chúng sanh cũng giống như chư Phật Như Lai vậy, ngộ nhập cội nguồn của các pháp, vậy mới có thể đạt đến chuyển phàm thành Thánh. Hay nói cách khác, giúp tất cả chúng sanh làm Phật, đây là mục tiêu cứu cánh, là cúng dường chân thật. Bạn muốn đạt đến mục tiêu này, trước tiên phải thành tựu chính mình. Bạn chính mình không thể thành tựu, lại muốn có thể giúp đỡ người khác thành tựu, Phật ở trong Kinh điển nói được rất nhiều là “không thể có việc này”, không có đạo lý này. Cho nên, trước tiên phải thành tựu chính mình. Muốn thành tựu chính mình thì phải nỗ lực tu học.
Tổng cương lĩnh của tu học, tổng nguyên tắc là “sám trừ nghiệp chướng”. Trong pháp sám hối, từ sơ phát tâm mãi đến Như Lai địa, Bồ Tát Đẳng Giác ngày ngày tu sám hối. Mỗi ngày rất nỗ lực phản tỉnh, tìm ra lỗi lầm của chính mình, đem lỗi lầm của chính mình cải sửa, đây gọi là sám hối. Chúng ta thấy lỗi lầm của người khác thì dễ dàng, thấy lỗi lầm của chính mình thì quá khó. Do đó Phật dạy cho chúng ta, xem người khác là tấm gương soi cho chính mình. Chúng ta xem thấy lỗi của người khác, không nên để ở trong lòng, để ở trong lòng thì chúng ta bị ô nhiễm rồi.Khi xem thấy lỗi của người khác, liền lập tức quay đầu xem lại chính mình, xem mình có cái lỗi lầm này hay không. Nếu có thì sửa đổi, không thì khích lệ. Ngày ngày phải thẩm sát, ngày ngày phải cải đổi. Bồ Tát Đẳng Giác vẫn chưa viên mãn Bồ Đề, cho nên họ vẫn có lỗi lầm, họ vẫn ngày ngày sửa đổi. Đến trên Như Lai quả địa thì mới là không có lỗi lầm. Khi đã không còn lỗi lầm, họ muốn giúp đỡ những chúng sanh có lỗi lầm, thế là họ thị hiện có lỗi lầm. Đây gọi là đại từ đại bi, từ bi đến tột đỉnh. Họ đến diễn kịch, họ đến biểu diễn để cho chúng ta xem, để sáu căn chúng ta tiếp xúc cảnh giới Phật Bồ Tát có được cảm xúc, có được cảm ngộ. Phật độ chúng sanh, Phật dạy chúng sanh, phương tiện khéo léo đến cùng tột. Phía sau các Ngài dạy cho chúng ta, chính mình thành tựu thì phải giúp đỡ người khác.
“Tùy hỉ công đức” là phá phiền não đố kỵ chướng ngại của chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay. Có chúng sanh nào không có tâm đố kỵ? Phương pháp gì có thể đem phiền não đố kỵ đoạn hết? Tùy hỉ, thường tùy Phật học. Tu tùy hỉ công đức có thể không có đố kỵ chướng ngại, họ mới có thể chân thật phát tâm giúp đỡ đại chúng.
Mời Pháp sư Đại đức đến nơi đây để giảng Kinh nói pháp là “thỉnh chuyển pháp luân”.
Nếu như điều kiện cho phép, chúng ta thỉnh Pháp sư Đại đức thường trụ ở nơi đây, đây chính là “thỉnh Phật trụ thế”.
Phổ Hiền hoằng nguyện chính là bảy điều này, còn ba điều phía sau đều là thuộc về hồi hướng. “Thường tùy Phật học” là hồi hướng Bồ Đề. “Hằng thuận chúng sanh” là hồi hướng chúng sanh. “Phổ giai hồi hướng” là hồi hướng thực tế. Ba nguyện sau cùng này đều thuộc về hồi hướng.
Hành Phổ Hiền đạo, đây là giáo hóa ba tầng thứ. Thứ nhất, “giai phát tín tâm” là chuyển ác thành thiện. Thứ hai, “tu Bồ Đề hạnh” là chuyển mê thành ngộ. Thứ ba, “hành Phổ Hiền đạo” là chuyển phàm thành Thánh. Đây là Phật dạy cho chúng ta. Chúng ta ở ngay chỗ này, các vị pháp sư trẻ tuổi, các vị phát tâm hoằng pháp lợi sanh, giáo hóa tất cả hữu tình phải ghi nhớ, phải biết làm như thế nào.
“Tuy sanh tha phương thế giới, vĩnh ly ác thú”. Đây là nói bạn vào trong sáu cõi thị hiện, cũng giống như chư Phật Bồ Tát vậy, đáng dùng thân gì để độ, bạn liền hiện ra thân đó, tùy cơ nói pháp. Tuy là sanh vào trong sáu cõi, nhưng bạn vĩnh ly ác thú. Đây chính là nói, bạn vào trong cõi ngạ quỷ liền biến thành ngạ quỷ, nói pháp cho quỷ nghe; bạn vào trong cõi súc sanh, bạn liền biến thành thân súc sanh, nói pháp cho súc sanh nghe; bạn vào trong cõi địa ngục, giống như Bồ Tát Địa Tạng thị hiện ở trong địa ngục nói pháp. Bạn ở trong một cõi nào nhất định hiện ra thân của cõi đó. Bạn có phải là đọa ác đạo không? Không phải, bạn là thừa nguyện mà tái sanh, cho nên gọi là vĩnh ly ác đạo. Vĩnh ly ác đạo không phải là không vào trong ác đạo, mà là nhân của ác đạo không còn, loại quả báo khổ trong ác đạo bạn không còn thọ nhận nữa.
Phía sau là nói thị hiện “hoặc lạc thuyết pháp”. Bạn thị hiện Pháp sư, Đại đức giảng Kinh nói pháp. Pháp sư có tại gia, có xuất gia. Chúng ta xem duyên phận, đáng dùng thân gì để độ thì hiện ra thân đó.
“Hoặc lạc thính pháp”. Thính pháp là gì? Làm chúng ảnh hưởng. Do đây có thể biết, trong pháp hội có một số pháp sư, trưởng giả, cư sĩ có thân phận, có địa vị, có đức hạnh, họ là ứng hóa đến, họ đến nơi đây nghe pháp là làm chúng ảnh hưởng.
“Hoặc hiện thần túc”. Thần túc ở đây không phải là nói thần thông, nếu xem nó là thần thông thì sai rồi. “Thần túc” ở chỗ này giải thích như thế nào? Phương tiện khéo léo rất nhiều, đây là thuộc về thần túc. Túc là nói đầy đủ, thần là thần kỳ, khó dò. Phương pháp thì rất nhiều. Giống như hiện tại ở trong giảng đường này, chúng ta đang học tập, giảng giải với các bạn, chúng ta lợi dụng đường truyền, hiện trường liền trực tiếp phát đi khắp thế giới. Trên đường truyền, số người nghe so với hiện trường chúng ta nhiều hơn không biết gấp bao nhiêu lần. Đồng thời chúng ta đem băng ghi hình này rất nhanh làm thành đĩa, lưu thông đến các nơi trên thế giới. Đây đều là thuộc về thần túc,“hoặc hiện thần túc”. Cho nên, thần túc ở chỗ này không phải như người thông thường nghĩ là quái lực loạn thần, mà là dùng rất nhiều phương pháp khác nhau. Ở trong Phật pháp, ngày trước tôi xem thấy ở phần “Đại Tạng Kinh” có một kịch bản là “Quy Nguơn Kinh”. Đây là kịch bản rất cổ xưa, kịch bản côn khúc. Đây là “hoặc hiện thần túc”. Họ đem đạo lý trên Kinh điển đã nói biên thành một câu chuyện, dùng phương thức biểu diễn sân khấu để đạt đến hiệu quả của giáo học. Phương pháp này thì tốt, đây là “hoặc hiện thần túc”. Cho nên, nội dung trong Kinh điển có thể viết thành kịch bản. Hiện tại ở trong điện ảnh phát chiếu thì rất tốt, có thể đem nó viết thành phim truyện dài tập. Tôi tin tưởng người xem sẽ càng nhiều, sẽ rất dễ dàng tiếp nhận, hiệu quả sẽ lớn hơn, thù thắng hơn so với chúng ta giảng ở nơi đây. Đây đều là phương pháp của “hoặc hiện thần túc”.
“Tùy ý tu tập, vô bất viên mãn”, Phật pháp không phải định pháp, mà là linh động hoạt bát. Tùy ý tu tập, “tu” là tu sửa lỗi lầm của chính mình, tu sửa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình. “Tập” là đang luyện tập, học tập đời sống của Phật Bồ Tát, học tập đời sống của trí tuệ, học tập đời sống nghệ thuật. Vậy mới gọi là viên mãn.
Hai câu sau cùng: “Nhược bất nhĩ giả, bất thủ chánh giác” là tổng kết hai nguyện phía trước. Nguyện này hôm nay tôi giảng được tương đối tỉ mỉ. Tôi nghĩ, cách nói này mọi người có thể tường tận. Phải chân thật học tập mới đạt được thọ dụng chân thật của Phật pháp.
A Di Đà Phật.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 162)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
—————————————–
facebook – PHÒNG PHÁT HÀNH DẦN NGUYỆT
www.dannguyet.com.vn