Chánh kinh:
Hà đẳng vi tứ? Sở vị: Bất ưng thân cận giải đãi chi nhân.
(Những gì là bốn? Chính là: Chẳng nên thân cận kẻ biếng nhác).
Chúng ta thường thân cận hạng người ấy thì sự tu học của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta là phàm phu sơ học, chẳng có định lực, thiếu trí huệ, vì thế giao du phải chọn lựa người. Có khá nhiều bạn đồng tu chẳng hề để tâm cảnh giác điều này, bị hoàn cảnh xoay chuyển, đáng tiếc vô cùng!
Đấy chính là điều ta thường gọi là “nhân tình Phật sự” (làm Phật sự theo cảm tình, thiếu lý trí để phán đoán), nó có ảnh hưởng rất lớn đối với hàng phàm phu sơ học. Học Phật ắt cần phải có lý tánh (tức là xử sự theo lý trí), phải buông tình cảm xuống thì mới có thể thành tựu. Pháp thứ nhất nhắm vào ý đó. Phạm vi của chữ “giải đãi” hết sức rộng, quý vị có nhận ra hay chưa? Giải đãi, lười biếng có phải là những người hằng ngày ngủ thật nhiều hay chăng? Đối với hạng người ấy, đương nhiên quý vị chẳng thể thân cận được! Họ còn bận ngủ, họ cũng chẳng kề cận quý vị được.
Vậy thì ai mới là kẻ giải đãi? Trước đây, Ấn Quang đại sư từng giảng là kẻ nào ưa đến đạo tràng rất siêng năng, ngày ngày la cà đạo tràng, ngày ngày tìm náo nhiệt. Vì sao họ là kẻ giải đãi? Họ giải đãi đối với việc tu đạo, biếng nhác tu định. Kẻ chẳng tu định, tu huệ, cứ ngày ngày đuổi theo náo nhiệt thì gọi là “kẻ giải đãi”. Bởi thế, chớ nên hiểu lầm ý nghĩa đoạn kinh này. Quý vị đọc Văn Sao, xem Vĩnh Tư Lục sẽ thấy mỗi khi lão hòa thượng thấy đệ tử quy y đến thăm, Ngài liền quở mắng:
– Ngươi đến đây làm chi?
– Con đến gặp sư phụ.
– Trước kia ngươi gặp sư phụ rồi, còn đến đây làm chi nữa? (Ngài quát quay về). Đến chỗ bon chen, tâm cũng loạn động theo, bảo ngươi ở nhà thật thà niệm Phật, ngươi chẳng chịu niệm, ngươi vẫn muốn đến chùa miếu gặp sư phụ, có gì hay mà xem! Đó gọi là “giải đãi”.
Sở dĩ Ấn Quang đại sư nói ra điều gì, ai nấy đều rất tôn kính là vì pháp giáo hóa của Ngài chưa có ai đề xướng cả. Hiện thời, các đạo tràng mong mỏi tín đồ đông đảo, tín đồ không đến thì làm sao duy trì được đạo tràng? Bởi thế, con người hiện tại đều chuộng náo nhiệt. “Náo nhiệt” chính là giải đãi; biếng nhác tu định, tu huệ, tu tâm thanh tịnh. Ở đây, Phật dạy chúng ta chớ nên thân cận những kẻ như thế, đừng ngày ngày bắt chước họ khiến cho tâm bị loạn động. Điều thứ hai là:
Chánh kinh:
Xả ly nhất thiết hội náo chi chúng.
(Rời bỏ hết thảy các chúng ồn náo).
Không nên “ưa thích náo nhiệt” không chỉ có nghĩa là chẳng ưa thích những nơi ăn chơi vui vẻ trong thế gian mà ngay cả những chỗ hoan hỷ náo nhiệt nơi cửa Phật cũng chẳng nên ham mến. Nói chung, điều gì trái nghịch với Giới, Định, Huệ; trái nghịch với Giác, Chánh, Thanh Tịnh đều là giải đãi, ồn náo. Bởi thế, đoạn văn này dung hàm ý nghĩa rất sâu, rất rộng.
Mục đích của chúng ta là cầu giải thoát, cho nên phải hiểu rõ hai chữ “giải thoát” này. “Giải” (解) là cởi mở. Cởi mở cái gì? Cởi bỏ phiền não. “Thoát” (脱) là thoát ly lục đạo luân hồi. Mục đích của việc học Phật là đây. Nếu quý vị chẳng nghĩ đến giải thoát thì chẳng sao, cứ việc ngày ngày lăn vào nơi náo nhiệt. Còn ai là kẻ niệm Phật thật sự mong liễu sanh tử, thoát luân hồi, thật sự cầu vãng sanh Cực Lạc thế giới thì nhất định phải tuân thủ lời dạy này.
Trước đây, trong kỳ Phật thất, Đàm Hư đại sư đã từng kể cho chúng ta nghe đôi ba câu chuyện cũ, đều là chuyện thật. Ngài kể một đồ đệ niệm Phật của lão pháp sư Đế Nhàn, xuất thân là thợ đóng đai thùng, niệm Phật ba năm bèn đứng mà vãng sanh. Người ấy chưa từng đi học, chẳng hề biết chữ, chỉ là một người rất chân thật. Sau khi xuất gia, lão hòa thượng chỉ dạy ông ta sáu chữ “nam mô A Di Đà Phật”, chứ chẳng dạy điều gì khác, chỉ dặn dò: “Ngươi cứ niệm một câu Phật hiệu này, niệm mệt thì nghỉ, nghỉ ngơi xong lại niệm tiếp”. Quả nhiên, người ấy ở trong một tòa miếu hư nát, không ra khỏi cửa lớn, niệm một câu Phật hiệu suốt ba năm, chẳng bệnh tật gì, biết trước lúc mất, bèn đứng vãng sanh. Vãng sanh rồi vẫn đứng suốt ba ngày để đợi lão hòa thượng Đế Nhàn thay mình lo việc hậu sự.
Ông ta dựa vào đâu để thành tựu? Chính là chẳng thân cận kẻ giải đãi, rời bỏ hết thảy các chúng ồn náo; bởi thế nói giải thoát chẳng khó, nhưng sao ngày nay chúng ta học Phật khó khăn đến thế? Đó là vì chúng ta đã phạm phải lỗi lầm sau đây: hằng ngày đuổi theo náo nhiệt, coi chuyện đua chen náo nhiệt là làm Phật sự. Quý vị nói coi: Đó có phải là vớ vẩn hay chăng? Quan niệm sai lầm rồi!
———————————————————————————————————————–
Trích Lời Dạy Của HT. Tịnh Không từ PHÁT KHỞI BỒ TÁT THÙ THẮNG CHÍ NHẠO KINH
facebook – PHÒNG PHÁT HÀNH DẦN NGUYỆT
www.dannguyet.com.vn