LỢI ÍCH KHI THƯỜNG XUYÊN NGHE PHÁP

may-giang-phap

Có nhiều nghiệp trong sự tu tập của chúng ta, mới nghe thì rất bình thường nhưng lại có ảnh hưởng đối với chúng ta rất lớn. Đề tài ngày hôm nay là một thí dụ. Nghe pháp, thường xuyên nghe pháp, nghe với sự lắng tâm đầy đủ là yếu tố đặc biệt lợi ích giúp cho chúng ta tăng trưởng được sự hoan hỉ sự thanh tịnh trí tuệ, và nhiều lợi lạc khác khi chúng ta đề cập đến một người thường nghe pháp.

Có lẽ sự khác biệt giữa nền học vấn của thế gian trong sự thu thập kiến thức làm người ta chỉ đặc biệt dựa vào lý tính vào khả năng ghi nhớ trong lúc Phật Pháp thì cần đến một sự chuyên nghiệp thẩm thấu, nói một cách nôm na là chúng ta phải có khả năng tiêu hóa được cái gì chúng ta nghe. Kinh nghiệm sống ở trong chùa và đọc lại những trang sách xưa cho thấy rằng ngay cả những vị pháp sư những vị trưởng lão những bậc đa văn quảng kiến mà đối với sự nghe pháp vẫn tìm thấy ở đó vô số những lợi lạc. Pháp hay sự thật thâm sâu vi diệu là điều ngay cả Đức Phật cũng tôn kính, ngay cả các bậc Thánh cũng tôn kính Pháp. Chân lý thâm sâu vi diệu đó đôi khi chúng ta nghe một vài vị trình bày hay là đọc qua một trang sách không đủ để chúng ta có thể thâm nhập nhìn thấy tất cả mọi chiều kích của đề tài. Nhờ nhân nào đó nhờ duyên nào đó mà chúng ta có thể nhìn những gì được nghe hiểu những gì được đọc một cách khác hơn một cách tường tận hơn.

Chúng tôi xin được lấy một thí dụ như vầy: đối với một người Phật tử tuy rằng có qui y Tam Bảo rồi nhưng vẫn chưa quen với từ vựng Phật học vẫn còn xa lạ đối với kinh điển thì giống như một nàng dâu mới về nhà chồng tuy rằng đó là gia đình của chồng và đó là gia đình nàng dâu phải sống nhiều năm nhưng ở trong giai đoạn đầu mới thì vẫn ngỡ ngàng và cũng cảm thấy rằng mình với gia đình đó không phải là một mà là hai, có thể mất thời gian lâu lắm để có thể đi qua giai đoạn mà chúng ta đại loại nói rằng mình đã thật sự tìm thấy nơi đó là tổ ấm của mình là ngôi nhà thật sự của mình. Sự thân quen sự gắng bó sự thể nhập không phải là một giai đoạn đơn giản. Chúng tôi phải nói ra một điều ở tại đây cũng thời Phật Pháp nhưng đối với một số các chư vị giảng sư ở trong rơom chẳng hạn khi thường nghe thường nghiệm Phật Pháp thì khác với một người mang tánh cách học giả nghiên cứu lâu lâu nhìn vào. Chính Đức Phật có một lần một người balamon tán thán Đức Phật về những câu trả lời rất là nhanh và rất nhạy rất sâu sắc của Đức Phật thì Đức Phật đã lưu ý cho ông thấy một điều: khi một người thợ làm bánh xe chuyên môn làm lâu năm thì nói theo tiếng Việt Nam chúng ta là nhắm mắt lại cũng biết bộ phận đó nằm ở chỗ nào vì cái đó nằm ở trong ruột của mình và người đó làm với bàn tay rất thiện xảo tại vì điều đó đã trở thành một phần thật sự của đời sống.

máy niệm phật

Khi chúng ta mới đến với Phật Pháp và khi chúng ta mới nghe pháp đôi khi chúng ta vật lộn với những gì mình nghe mình học cũng giống như một người mới học lái xe nhìn thấy mình với chiếc xe là hai chứ không phải là một, khi đã quen rồi thì chúng ta có thể nghe được từng nhịp thở, có thể cảm được từng sự thay đổi. Khả năng thuần thiền định ở trong nền văn hóa của chúng ta gọi là năng lực tam muội, năng lực của định. Đối với nghe pháp có khác nhưng cũng có năng lực của sự thẩm thấu của sự thể nhập, năng lực của cái rất là thân quen, cái thân quen đó cho chúng ta một trạng thái rất khác biệt mà chỉ có những vị nào trải qua kinh nghiệm đó thì mới kham nhận được điều đó mà thôi. Chúng tôi lấy một ví dụ gần hơn là vị nào quen với máy vi tính quen với máy móc thì chính những gì liên quan đến máy móc nó có khó khăn một chút làm qúi vị cảm thấy thích thú nhưng nếu qúi vị không quen với máy móc vừa thấy hơi rắc rối một chút là đã sợ rồi. Cái quan trọng là quen hay không quen, thuần thục hay không thuần thục, và quá trình dẫn đến thuần thục đó đôi khi cần đến thời gian đôi khi cần chúng ta trải qua nhiều lần lập đi lập lại.

Có một điều rất lạ mà có lẽ bản thân của chúng tôi cảm nhận nhiều hơn hết so với tất cả các vị giảng sư và tất cả qúi Phật tử ở đây. Chúng tôi có được duyên lành là thỉnh thoảng đi đó đi đây, có khi sang Âu Châu, có lúc xuống tận miền nam như Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, ở một vùng băng giá của Canada chẳng hạn, chúng tôi có gặp những Phật tử mà những Phật tử đó chúng tôi chưa bao giờ gặp trong đời, nhưng những vị đó thường vào nghe pháp ở trong rơom Diệu Pháp này. Sự thường vào nghe pháp trong rơom khi chúng tôi gặp qúi vị đó hầu như là chúng ta nói đại loại như thế này là nói một hai câu có thể nhìn ra bà con được tại vì những người đó biết rất nhiều, biết rất nhiều về chương trình sinh hoạt, biết nhiều về tánh của Sư Trưởng, biết nhiều về giờ giấc của TT Tuệ Siêu và có nhiều khi qúi vị đó làm cho chúng tôi rất là ngạc nhiên, tại vì sao vậy, lúc đó chúng tôi mới cảm được rằng một người mà nghe pháp một ngày một buổi một giờ bất chợt thì cảm giác khác, nhưng khi chúng ta thường xuyên nghe thì chắc chắn phải khác đi. Có đôi lúc qúi vị vào trong rơom nghe pháp mỗi ngày việc đó quen giống như chúng ta ăn cơm bữa, nhưng một ngày nào đó thì chúng ta mới nhận ra rằng danh từ Phật học không còn xa lạ với mình nữa, những khái niệm mà Chư Tăng các vị giảng sư dầu nói một cách khúc chiết hoặc đi vào chi tiết tường tận không có làm cho chúng ta cảm thấy ái ngại cảm thấy nhiêu khê, mà những gì nói thoáng qua thì chúng ta cũng có thể hiểu rộng rãi. Và bây giờ thì chúng ta thấy rằng mình đối với cảnh giới của Phật Pháp rất quen, quen đến đỗi mình có thể bơi lội trong đó, có thể tắm trong đó, có thể ngâm mình ở trong đó, có thể tự tại ở trong đó như là kình ngư ở giữa đại dương mênh mông thì lúc đó là một sự thâm nhập.

Đức Phật Ngài không nói nhiều về điều này mà Ngài đề cập rất ngắn. Ở đây chúng ta nghe 5 lợi ích Đức Phật Ngài đề cập, 5 lợi ích này rất cụ thể rất thiết thực và rất dễ hiểu những pháp thường thì, được nghe những điều chưa từng nghe, và những người đã được nghe rồi thì được tỏ rõ hơn, đoạn trừ nghi hoặc, làm cho tri kiến chánh trực, làm cho tâm tịnh tín.

may-niem-phat

Lợi ích thứ nhất: – Được nghe điều chưa từng nghe.

Về điều này đôi khi nếu qúi vị hỏi Chư Tăng các vị giảng sư những đoạn kinh, những phần trích luật từ trong Tam Tạng không phải nói rằng mình đã sống trong kho tàng kinh điển lâu mà mình nhớ mình suy nghĩ tường tận hết mọi thứ. Ngay cả những vị giảng sư thường xuyên giảng kinh điển thì thỉnh thoảng đó đây cũng gặp rất nhiều đoạn mà bản thân của mình chưa từng nghe đừng nói chi với một người lâu lâu mới nghe. Chúng ta phải vui mà thấy rằng là người con Phật thừa tự được một gia tài kinh điển mênh mong, gia tài kinh điển rộng lớn, nếu chúng ta biết thì chúng ta cảm thấy cuộc sống của mình rất giàu có chỉ tại mình không chịu hưởng mà thôi. Nói rằng ý nghĩa của Tam Tạng kinh điển mà viết bằng giấy bằng mực chúng ta đọc cả đời không hết và chẳng những vậy mà thỉnh thoảng được các vị giảng sư hay là một nhân duyên nào đó chúng ta đọc một vài câu kinh thì chúng ta vẫn có thể khám phá ra rằng điều này mình chưa từng được nghe, chưa từng được biết, dầu chúng ta nghe 5, 10 năm, 20 năm thì những cái chưa từng được nghe vẫn còn. Khó có thể tưởng tượng được sự bao la của kinh điển như thế nào, tuy nhiên chúng tôi có thể khẳng định rằng đó là một kho tàng vô tận. Do vậy nghe pháp nhiều thì học được những điều chưa từng được nghe.

may tung kinh
Lợi ích thứ hai là: – Làm tỏ rõ những điều chúng ta đã từng nghe.

Có nhiều khi chúng ta nghe Pháp một cách hời hợt. Có một lần chúng tôi gặp một vị Thầy trong lần tham dự Đại Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế giới, lúc đó vì phân ban thành ra chúng tôi và vị này ngồi chung trong một diễn đàn và lúc bấy giờ có một vị trưởng lão người Tích Lan được mời đến để Ngài nói về sự hoằng pháp đối với những sắc dân thiểu số đối với những người nghèo và đối với những người có nhiều nhu cầu với xã hội hơn là nhu cầu của tâm linh. Thì khi Ngài Trưởng Lão nói ý kiến của Ngài thì Ngài đề cập đến giá trị của sự khổ được tìm tòi qua KHỔ ĐẾ như thế nào. Ngài lấy thí dụ để cho thấy rằng đừng nói đến người nghèo, đừng nói đến người giàu, và đừng bao giờ áp đặt rằng người đó họ nghèo quá họ chỉ lo kiếm cơm họ không lo đời sống tâm linh. Ngài muốn nói rằng ở trong thông điệp của sự đau khổ nếu chúng ta chịu khó và rất là chịu khó để nói thì ngay cả người cùng đinh nhất cũng nhận được lợi lạc. Ngài nói lên ý nghĩa của sự khổ. Thì trong giờ giải lao vị thầy đó mới nói với chúng tôi một điều rằng: sống ở trong chùa từ nhỏ đến lớn đọc bao nhiêu sách, Nam Tông có, Bắc Tông có, đi học ở trường thì học triết học mình tưởng đau khổ là đề tài rất bình thường mình chỉ nói lên chữ khổ là biết rồi nhưng bữa nay nghe HT người Tích Lan nói thì mới hiểu là còn có trăm ngàn thứ mà mình chưa hiểu hết”. Câu nói vị Thầy làm chúng tôi thật sự hoan hỉ. Cơ may chúng ta nghe được một điều mà mình nghĩ rằng mình biết nhiều nhưng chính ra thì ở trong cái mình đã quá quen thuộc đó mình lại khám phá ra có những cái mình chưa biết, có những cái chưa được sáng tỏ. Điều đó có lợi chỉ những người đã thường nghe pháp mới có thể cảm được điều này.

may nghe phap
Lợi ích thứ ba là: – Đoạn trừ nghi.

Điều này cũng là điều quan trọng. Với một người đi chùa thắp ba nén hương lạy Phật thì chuyện có hoài nghi hay không có hoài nghi với Phật Pháp đôi khi chỉ là một vấn đề của nhàn đàm thôi nhưng là một người đi trong con đường tu tập nhất là những hành giả thì chữ nghi hoặc chữ hoài nghi là một chuyện lớn. Hoài nghi được xem như là một trạng thái lưỡng lự phân vân cái lưỡng lự phân vân này không phải là thái độ của một người biết suy nghĩ, không phải hoài nghi là thái độ của một người không cả tin mà hoài nghi ở đây là một thái độ nghi ngờ một cách không có tính lý và không cho phép mình đi tới không cho phép mình làm gì hết không cho phép mình đào sâu.

Chúng ta có quyền đặt câu hỏi có quyền nêu ra nghi vấn nhưng mà nêu lên nghi vấn để tìm câu trả lời chứ không phải là thái độ lưỡng lự phân vân đứng đó trù trừ trong sự trù trừ đó tiến thoát lưỡng nan không biết quẹo trái không biết quẹo phải không biết đi tới nhưng mà cái hoài nghi đó nó trở thành một điểm lớn một điều ảnh hưởng to tát với sự tu tập của chúng ta.

Người Trung Hoa trong sự tu tập thường nói đến những phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Dĩ nhiên danh sách của phiền não thì có nhiều thứ nhưng chữ mạn là cao ngạo, chữ nghi là nghi ngờ nghi hoặc. Khi nghe pháp mà chúng ta xoá tan được hoài nghi về một điểm nào đó thì là lớn chuyện. Tại đây là kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng tại sao có rất nhiều những tỳ kheo, những nam cư sĩ, nữ cư sĩ, và rất nhiều ngoại đạo, rất nhiều người không biết Phật Pháp sau khi đến nghe Đức Phật thuyết pháp mà thốt lên câu nói rằng:

“Như người đem ánh sáng vào chỗ tối, lật ngửa những gì bị úp lại, phơi bày những điều cần thấy cho kẻ có mắt, chánh pháp mà Đức Thế Tôn thuyết pháp đã khai mở trí tuệ đoạn trừ nghi hoặc, con xin qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng, những mong Đức Thế Tôn từ bi ghi nhận lấy cho con từ nay cho đến trọn đời là người qui y Tam Bảo”.

Những đoạn như vậy chúng ta nghe rất nhiều ở trong kinh điển về sự trở về của những người nam của những người nữ và ngay lúc đó chúng ta có thể cảm nhận được là họ đã vượt qua một cái gút một cái mắc một cái góc tối của cuộc đời, cái góc tốt đó thường là trạng thái nghi hoặc, thường là một trạng thái mà đôi khi chúng ta nghĩ rằng nó không có gì hết. Như một người bị một chứng bịnh nào đó mà họ không thể biết cho đến khi gặp một vị danh y và vị danh y đó có khả năng chữa bịnh đã cho mình biết từ trước giờ mình có bịnh mà mình không biết bây giờ mình biết nên có khác đi. Hoài nghi đó là một điều lớn. Ngài Buddhadasa, Ngài có nói về chữ hoài nghi rằng: “Một người ngồi xuống thiền định mà với sự nghi hoặc ở trong lòng thì một milimét nhỏ để mà tiến bộ cũng không có được.”

Chúng ta nhớ trong năm pháp nghi ngại gọi là năm pháp triền cái thì chữ nghi hoặc là một ở trong năm pháp triền cái, nó ảnh hưởng xâu xa đến đời sống chúng ta. Nghe pháp nhiều thì giúp cho chúng ta đoạn trừ cái nghi hoặc.

may nghe phap

Lợi ích thứ tư: – Làm tri kiến được chân chánh.

Tri kiến chân chánh, ở đây trong tiếng Anh là straight hay trong tiếng Phạn tiếng Hán chữ chánh đôi khi là thẳng thắn chân thật nó không quanh co không có ẩn khuất, cái gì đó làm cho chúng ta thấy trực tiếp hiểu trực tiếp hiểu một cách đúng một cách sáng tỏ một cách chân chánh một cách ngay thật đó là về tri kiến. Cái tri kiến chân chánh có thể có ở trong bất cứ người nào cho dù người đó chưa đoạn trừ được phiền não nhưng có hiểu biết đúng hiểu biết chân chánh, ví dụ như một người tin tưởng ở nghiệp báo thì việc đó có ý nghĩa làm cho sở hành của người đó hoàn toàn thay đổi.

Có lần chúng tôi đi với một nhóm Phật tử sang Miến Điện điều làm chúng tôi rất cảm động là một Phật tử nói với chúng tôi rằng ngày mai muốn xin để bát cúng dường đến Chư Tăng, chúng tôi có thưa với vị Sư Indaka là vị sư Miến Điện hướng dẫn chúng tôi trong chuyến viếng thăm thì Sư sắp xếp. Thường thường Phật tử mỗi lần yêu cầu để làm phước thì chúng tôi cũng sắp xếp nhưng hôm đó đặc biệt là có một cô Phật tử Vinh Diệu Tịnh ở bên Pháp gửi tiền để làm trai tăng cúng dường. Chúng tôi có cúng trai tăng tại một ngôi chùa lớn ở Bago còn lại để làm phước ở tại Rangoon. Thì ngày hôm đó thật sự là một ngày rất bình thường ở tại Miến Điện nhưng đối với phái đoàn thì là một ngày rất vui. Chư Tăng Miến Điện buổi sáng hơn 160 vị từ ở trong chùa bước ra các Ngài vấn y rất đẹp trong màu áo măng cụt ở trên tay mỗi vị cầm chiếc quạt bằng lá, chiếc quạt đó có nhiều công năng nó là một ở trong những công cụ rất thích hợp với Chư Tăng miền nhiệt đới, chúng tôi ít thấy vị nào cầm cái quạt để quạt nhưng thường để che nắng mà trong buổi lễ cầm thì trông rất trang nghiêm. Thì mỗi vị cầm một cái quạt từ trong đi ra, các Phật tử mỗi người tuần tự đến đặt vào trong bình bát thức ăn. Công việc xong rồi thì ai cũng vui vẻ hoan hỉ nhưng có một người Phật tử đã nói một câu làm cho chúng tôi cảm kích, vị đó nói rằng: “Ngày hôm qua đi con có nhiều chuyện phiền não cảm thấy không được an vui thành ra nghĩ sáng hôm nay muốn đi làm phước để bát và để bát hôm nay tự nhiên hoan hỉ quá bây giờ phiền não không có.” Khi chúng tôi nghe vị Phật tử nói như vậy thì chúng tôi lại khởi sang một niềm hoan hỉ khác, điều chúng tôi nghĩ ở đây không phải là vì vị đó làm việc cúng dường mà hoan hỉ mà chúng tôi thấy được cái tri kiến chân chánh của vị đó làm chúng tôi hoan hỉ. Khi nào mình phiền, mình buồn thay vì mình ngồi đó trách người này trách người kia hay là mình ngồi đó để than thở thì mình làm phước, làm phước xong thì hoan hỉ, tại phước là cái gì gội nhuần thân tâm của mình. Do vậy khi một người Phật tử một người cư sĩ cảm thấy trong lòng buồn tự nhiên muốn đi làm phước để tâm tư được an lạc đối với chúng tôi là một nhà sư xem điều đó như là một điều hết sức hoan hỉ.

Tri kiến của chúng ta chân chánh ở chỗ là mình có bịnh thì uống thuốc nhưng thuốc ở đây là những phương thuốc thật sự có giá trị lớn về nhiều mặt; về mặt phước báu, về mặt trí tuệ, về sự thanh tịnh, về niềm tin của chúng ta.

Con người của chúng ta đa phần rất là quanh co chúng ta không có trực tiếp, không thẳng, không có rõ ràng về cái vui cái khổ đôi khi chúng ta cứ tự hỏi rằng trong cái thành, cái bại, cái đặng thất, cái vui khổ, trong đời sống của chúng ta làm gì? Thường thì chúng ta không tự hào thì cũng tự ti, chúng ta không đổ lỗi người này thì chúng ta lại qui trách vào việc kia, ít khi chúng ta tự đứng lên một cách khẳng khái tự nhận rằng cái vui cái khổ đó là chính ở sở hành của mình. Và để cho chúng ta được vui thì chúng ta nên làm cái gì đó có ý nghĩa.

Người nghe pháp nhiều thì tâm tư rất rõ rất chân chánh về chuyện này. Qúi vị để ý là một khi chúng ta nghe pháp nhiều thì chúng ta sẽ bớt đi sự trách móc đối với những người khác về cái vui cái buồn trong lòng mình. Nói cho cùng thì trên tinh thần Phật Pháp mỗi chúng ta là người chịu trách nhiệm về cái vui cái khổ của mình , mình có thể nói rằng người này làm cho mình buồn người khác làm cho mình phiền nhưng mình chỉ buồn chỉ phiền khi nào mình cho phép mình buồn phiền mà thôi nếu mình khéo xây dựng. Ngài Ajhan Chah thường nói: “xây dựng cái nhà của tâm hay nơi an dưỡng của tâm hay cảnh giới thật sự an lạc của tâm thì người ta không làm phiền mình được”. Người ta có thể chửi mình, người ta có thể công kích mình, người ta có thể lấy mất đi một vài thứ sở hữu của mình nhưng người ta sẽ không uy hiếp được sự an lạc, sự trí tuệ. Nếu trí tuệ chúng ta được thắp sáng thì chúng ta sẽ giữ vững sự an lạc của mình ở trong hoàn cảnh nào cũng vậy. Và để giữ vững ngọn đèn trí tuệ đó để giữ vững tay chèo đó, thì nghe pháp làm trí tuệ của chúng ta sung mãn, làm cho tâm trở nên thanh tịnh trở nên định tỉnh. Phật Pháp là chất liệu không tạo cho chúng ta thêm những âu lo phiền muộn, qúi vị cứ để ý những giờ chúng ta vào nghe pháp không được ít thì được nhiều, không được điều này thì cũng được điều kia, nhưng không có chuyện gì gọi là phiền não trừ khi chúng ta thất niệm chúng ta đi vào những chuyện mang tánh cách cá nhân. Mỗi lần chúng tôi vào trong rơom mà thấy những người vào đôi khi khủng bố để mà phiền não để nói này nói kia những lúc đó cho chúng tôi cảm giác rằng giống như một quán nước giải khát giữa trưa hè ở đó có nước mát nước ngọt để uống mà có những người vào không uống mà những người đó vào chỉ sanh sự thôi thì thật sự đó cũng là sự thiệt thòi cho họ.

may nghe phap

Lợi ích thứ năm: – Nghe pháp là suối nguồn của sự an lạc.

Chúng tôi cảm nhận mình có đại phước là có những bậc thầy mà chúng tôi đã từng được học trong cuộc đời như Ngài Tịnh Sự, HT Minh Châu, Sư Trưởng, Ngài Ananda Mitra, Ngài Tangulu v.v….. tất cả những vị đó đều có đặc tính là ưa chuộng sự nghe pháp qúi trọng Phật Pháp và rất là hoan hỉ ngồi xuống lắng nghe. Một hình ảnh có lẽ chúng tôi đi nhiều năm ở ngoại quốc khi nghĩ đến chúng tôi không thể không cảm kích đó là hồi nhỏ vào trong chùa lúc đó Sư Trưởng dạy những vị sadi những chú giới tử học thuộc những bài pháp và tập thuyết trình, tuổi thơ chúng tôi thích cái gì mới cái gì lạ, ví dụ như một vị lên thuyết pháp mà vị đó nói cái gì cao xa nói cái gì mới mình thích nhưng ngồi để kiên nhẫn nghe một chú giới tử đọc lại một bài pháp mà bài pháp đã từng biết rồi ai cũng biết rồi bây giờ nghe đọc lại thì thật sự mất thì giờ. Nhưng sau này dần dà lớn lên đi ra sống ở chỗ này chỗ kia chúng tôi mới thấy những hình ảnh đó rất là qúi báu, một vị thầy một vị tôn túc mà có thể ngồi nghe một môn sinh một đệ tử nhỏ trùng tụng lại pháp với tâm thanh tịnh với sự tôn trọng pháp, điều đó là điều quan trọng, cái quan trọng đó chính là sự ưa thích chánh pháp mà làm cho tâm được thanh tịnh. Chúng ta nói như vầy: đừng nói một món rau người nấu là người có giai cấp nào địa vị nào nhưng nếu họ luộc rau đúng cách rồi đem dọn ăn thì chúng ta ăn món rau đó chúng ta cảm thấy ngon. Quan trọng là chúng ta có qúi trọng Phật Pháp hay không.

Chúng tôi sinh hoạt trong rơom Diệu Pháp này rất hoan hỉ về sự đóng góp của chư vị giảng sư, thật ra không có vị nào vào trong rơom này mà vị đó không có bận rộn, Chư Tăng cố gắng thật nhiều để vào rơom với thời gian khác biệt, đối với TT Tuệ Siêu vì sức khỏe có đôi khi đi nghỉ trễ quá có ảnh hưởng nhưng cũng có cố gắng để vào, Sư Trưởng ráng ngồi nghe ráng vào để khuyến khích. Nhưng có một điều chúng ta có thể cảm nhận là tất cả đều có sự tha thiết, sự tha thiết đó một phần là vì Phật Pháp, phần nữa thì chúng ta phải nói rằng giờ sinh hoạt của chúng ta giống như một thời kinh đó là những giờ an tịnh, chúng tôi thì được sự may mắn sống ở Houston với giờ ở Houston thì không có quá sớm và không có quá trễ mà vào rơom để gặp thầy tổ gặp huynh đệ để nghe một thời kinh, chúng ta có hai giờ để lắng nghe để suy nghĩ và để chia sẻ Phật Pháp, hai giờ đó là 120 phút được sống được tu ít nhất trong cuộc đời bận rộn này ít nhất ở trong cuộc sống xa quê xa xứ xa huynh đệ thầy tổ thì chúng ta có được những giờ phút mà sống tích cực, thở chung một nhịp thở, và cảm nhận chung một bầu không khí mát mẻ, điều đó là điều an lạc.

Tâm thanh tịnh của chúng ta không phải là tự nhiên mà thanh tịnh được, nó cần chất liệu làm cho thanh tịnh. Cũng giống như mình sống ở miền quê khi nước lên thì phù sa làm nước đục người ta lấy phèn đánh vào làm nước lắng trong, khi nước trong thì chúng ta thấy nước có khác. Chánh pháp là một chất liệu làm cho tâm tư của chúng ta lắng đọng sự lắng đọng trả chúng ta về cảnh giới thanh tịnh. Đức Phật Ngài khẳng định một điều rằng:

“Dù là nói ngàn lời cũng không bằng nói một lời mà nghe xong tâm được tịnh lạc. Dù sống một trăm năm mà không được thấy chân tướng sanh diệt không bằng sống được một ngày mà thấy được pháp sanh diệt”.

Đối với bậc Đại Sĩ đối với bậc Pháp Vương, Ngài xem chánh pháp quan trọng như vậy nếu chúng ta không ý thức được sự trọng đại đó thì thật ra là một điều đáng tiếc. Có một vài vị hỏi chúng tôi rằng công việc hoằng pháp ví dụ như việc chúng ta làm ở tại đây có làm mệt mỏi hay không, chúng tôi không nhìn vấn đề khía cạnh mệt mỏi mà chúng tôi muốn nhìn lại vấn đề đó là một phần của đời sống, đó là một sự may mắn, đó là một cơ duyên tốt và đó là một cảnh giới an lạc. Cuộc đời của chúng ta có quá nhiều những tế toái những phiền lụy, tại sao có những giây phút sống an lạc mà chúng ta không sống chúng ta đi đâu nữa, chúng ta làm việc gì nữa, nếu chánh pháp không đủ để gội nhuần tâm tư của chúng ta thì cái gì có sức để mà vực dậy lý tính, vực dậy ý thức, vực dậy tuệ giác của chúng ta.

máy nghe pháp

Nghe Pháp được, nghe nhiều, thường nghe pháp, thì quả thật chúng ta có nhiều sự lợi lạc những lợi lạc đó được bậc Đạo Sư của chúng ta Ngài nói ở tại đây:
Được nghe cái chưa từng nghe.
Được tỏ rõ những điều đã từng nghe
Đoạn trừ được nghi hoặc
Làm cho tâm chánh trực
Làm cho tâm tư thanh tịnh.

Cảm nhận như vậy thì chúng ta sống hoan hỉ với chánh pháp như lời của Đức Phật dạy rằng:

“Một vị tỳ kheo mến pháp trú pháp, tâm tư hằng nghe pháp, và sẽ không rời chánh pháp”.

Lúc đó chúng ta thấy rằng kho tàng kinh điển bao la không phải là một thách thức trí tuệ chúng ta mà là một di sản khổng lồ Đức Phật cho phép chúng ta những người con của Ngài được thừa hưởng, chúng ta sẽ cảm thấy rằng những giờ phút sinh hoạt Phật Pháp không phải là giờ phút cực nhọc làm chúng ta khó chịu mà những giờ phút mang lại cho chúng ta suối nguồn của hoan hỉ của an lạc. Và, một ngày hai ngày chúng ta không thấy gì nhưng vài ba năm trở lại thì chúng ta thấy rằng mỗi ngày một giọt nước, một giọt nước cam lồ nhỏ xuống trong tâm tư của mình thấm nhuần đầy ắp làm cho cuộc sống của chúng ta được sung mãn được hoan hỉ thì có lẽ đòi hỏi thêm thì chúng ta đòi hỏi hơi nhiều, mà nếu chúng ta không ý thức được cái lợi lạc đó thì thật sự là một điều rất là đáng tiếc.

Chúng ta mong rằng năm điểm Đức Thế Tôn đề cập đến ở tại đây một lần nữa nhắc cho chúng ta thấy rằng chúng ta nên tiếp tục làm những gì mà chúng ta đang làm và làm với tất cả sự hoan hỉ và an lạc. Chúng tôi xin dứt lời ở tại đây và mong rằng chúng ta sẽ luôn luôn tiếp tục được an lạc trong Phật Pháp.

———————–
( Bạn đọc xong nếu bạn thấy ý nghĩa xin hãy chia sẻ …
Nếu bạn cảm thấy www.facebook.com/TrungTamPhatHanhDanNguyetnày có chút lợi lạc hãy LIKE để kết nối và sẽ NHIỀU HƠN THẾ NỮA … ) Chân Thành Cảm Ơn …
=========================
PHÒNG PHÁT HÀNH DẦN NGUYỆT
Điện thoại : 0943-666-589 — 04-66-534-534
Địa chỉ : Số 10 ngõ 43 phố Cầu Cốc – Nam Từ Liêm – Hà Nội
www.facebook.com/TrungTamPhatHanhDanNguyet
Website : www.dannguyet.com.vn

Tin Liên Quan