Dù giàu hay nghèo, mọi người đều có sự quan tâm thật sự, đó là làm sao có được sự an lạc và đời sống hạnh phúc.
Vậy, làm thế nào để có cuộc sống bình an?
Chúng ta có cuộc sống không bình an là do chúng ta nhận thức về cuộc sống không đúng, khiến cái nhìn của chúng ta về cuộc sống cũng trở nên không đúng và méo mó. Từ đó, chúng ta có lối sống không đúng, và gây những bất mãn triền miên.
Từ sự quan sát cuộc đời của mình qua những kinh nghiệm sống (từng hưởng thụ lợi lạc, đam mê ái dục, danh lợi, quyền lực, trong cung điện và sáu năm tu khổ hạnh mà không thấy kết quả gì), đức Phật rút ra một kết luận, để khuyên người đang đi tìm Đạo: đắm mình trong dục lạc dẫn đến nguy hại, là một điểm nên tránh; tự hành hạ mình bằng các hình thức tu khổ hạnh nghiêm khắc, dẫn đến đau khổ, và nguy hại là một điểm không bao giờ nên làm.
Những người đắm mình trong dục lạc là những người quan niệm rằng “chết là hết”, “chỉ có một kiếp sống này thôi, nên phải hưởng thụ cho hết cuộc đời”. Những người này vội vã làm giàu, vội vã ganh đua, vội vã hưởng thụ. Và lối sống vật chất quanh cuồng không bao giờ đem đến cho họ sự bình yên, hạnh phúc.
Những người theo đuổi các hình thức tu khổ hạnh là những người chỉ biết đặt hi vọng vào kiếp sau, mong mỏi kiếp sau có được hạnh phúc. Những người này cho rằng các hình thức tu khổ hạnh sẽ là “chiếc vé” đưa họ tới một kiếp sống tốt đẹp hơn. Họ làm như vậy mà không nhận thấy rằng họ đã đánh mất đi cơ hội có được hạnh phúc, an lạc ngay trong kiếp này. Cầu sanh tịnh độ là điều đúng đắn, nhưng chúng ta còn phải tìm sự tịnh độ ngay trong hiện tại.
Đức Phật dạy: người tu học phải biết theo con đường Trung đạo đừng để mình lạc vào trong các quan điểm, thái quá hay bất cập, giả định của cuộc đời. Con đường Trung Đạo này còn được gọi là Bát Chánh Đạo và tiếng pali viết Ariyo atthamgiko maggo. Ariyo có nghĩa : cao quý, cao thượng trong cụm từ này.
Trong Kinh Nhất dạ hiền giả (Bhađdekaratta sutta), đức Phật giảng cho các vị Tỳ-kheo:
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động không rung chuyển
Để có được bình an trong chúng ta cần hiểu rõ: “Đừng nhớ chuyện quá khứ, đừng nghĩ chuyện tương lai, hãy sống vui với hiện tại!” Sống có nghĩa là sống với hiện tại, sống vào hiện tại. Hay nói cách khác, chỉ có hiện tại là sống. Sống ngay với hiện tại là tinh thần thiết thực. Than thở tiếc nuối quá khứ, hay mơ ước tương lai chẳng những để mình rơi vào chỗ phi thực, còn để mình vướng mắc vào rối loạn tâm lý, khổ đau và đánh mất hiện tại.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không được nhớ về quá khứ và cũng không được bày tỏ những ước vọng trong tương lai, mà là chúng ta nhớ về quá khứ và hướng tới tương lại một cách tích cực nhưng không bị lôi cuốn, chìm đắm trong quá khứ và tương lai.
Chúng ta nên nhớ về quá khứ để học hỏi những bài học, đúc rút cho mình những kinh nghiệm sống thông qua những sự kiện trong quá khứ. Chúng ta cũng có thể nhớ về quá khứ để tôn vinh tình thương với những người thân đã mất. Nhưng chúng ta không để mình bị lôi cuốn, trói buộc vào những sự kiện trong quá khứ mà thấy buồn về hiện tại.
Chúng ta có thể có những mong cầu về tương lai, mong muốn xây dựng cuộc sống thế này, quyết chí tu học thế kia, nhưng chúng ta không để những mong muốn đó làm xao nhãng cuộc sống hiện tại. Tương lai ra sao chính là do việc tu học, trau dồi của chúng ta trong ngày hôm nay quyết định.
Biết vậy nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Đêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhứt dạ hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.
Hãy trân quý giây phút hiện tại, giây phút nhiệm mầu. Hãy biết tu tập và yêu thương mọi người với tất cả những phút giây chúng ta có lúc này. Tu tập và yêu thương “nhiệt tâm” – đó là con đường để có cuộc sống bình an.
Đạo Phật để sống chứ không phải để cầu. Đạo Phật hướng dẫn chúng ta đi chứ không hứa hẹn đưa chúng ta đến đích. Chúng ta không thể tìm thấy bình yên, an lạc chỉ bằng cách cầu nguyện. Phải tự mình nỗ lực, luôn luôn phải trau dồi thân tâm và rèn luyện tu tập, cố sức xả bỏ những tâm niệm tham sân si. Khi muốn xả bỏ như vậy, chúng ta không những cần phải kiên trì, chịu đựng mà còn phải đầy đủ nghị lực để mạnh dạn dứt bỏ những thói hư, tật xấu, chứ không phải chỉ cần vào chùa cúng bái, cầu xin chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ, trợ lực cứu khổ cứu nạn là sẽ được giải thoát khỏi các khổ đau, tai ương, bệnh tật. Bình an mà chúng ta tìm kiếm đang ở chính tại đây, và lúc này.
=========================
PHÒNG PHÁT HÀNH DẦN NGUYỆT
Điện thoại : 0943-666-589 — 04-66-534-534
Địa chỉ : Số 10 ngõ 43 phố Cầu Cốc – Nam Từ Liêm – Hà Nội
www.facebook.com/TrungTamPhatHanhDanNguyet
Website : www.dannguyet.com.vn