Thông thường khi ra tiếp khách, bao giờ chúng ta cũng tươm tất, lịch sự, nhã nhặn, ôn hòa hơn khi ở trong phòng một mình. Đó là tập tính, thói quen của mỗi con người, sống theo hoàn cảnh, bị hoàn cảnh chi phối dẫn đến trong lòng khác với ngoài mặt, chưa thật sự sống là chính mình.
Nếu bảo tùy vào từng trường hợp để vận dụng cho thích hợp, điều này chỉ được chấp nhận khi chúng ta đã xác định được chủ thể “chính mình là gì”, sau đó tính tùy thời mới đúng nghĩa. Nếu chưa như thế thì sẽ bị biến thái, cuốn theo vào nhiều hoàn cảnh và mọi thứ bên ngoài, đánh mất chính mình. Có nhiều diễn viên tâm sự, họ đã đóng quá nhiều vai diễn, không có thời gian để sống thực là mình cho nên đưa đến trạng thái không còn biết sự thật mình là như thế nào nữa.
Cuộc đời từ bé đến lớn có vô vàn hoàn cảnh sai biệt, đổi thay. Nếu đánh mất chính mình, sống theo sự thế thì trong một ngày không biết chúng ta phải bị biến đổi theo bao nhiêu bộ mặt. Và nhiều năm tháng như thế sẽ tạo nên một đống bòng bong rối bời, lộn xộn, cuốn lấy, che lấp; bụi trần gian phủ dầy kín lên con người, không còn nhận ra chính mình là ai nữa. Từ đó cuộc sống mất phương hướng, nguồn gốc của mọi thứ sai lầm, phức tạp, gian ác, đau khổ có ra.
II. VÌ SAO CON NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC SỐNG LÀ CHÍNH MÌNH?
1/ Do cố tật không trung thực của con người
Trong các ngôi làng xưa thường có một cái giếng nước chung, mọi người thường ra đó để giặt giũ, gánh nước về nhà mình dùng. Một buổi sớm tinh sương trời chưa sáng hẳn, anh chàng nọ tranh thủ ra sớm để lấy nước uống cho gia đình. Khi múc nước lên, tình cờ thấy một cái quần đùi (quần cụt) không biết của ai từ dưới giếng cuốn theo cái gàu múc nước. Phát hiện một hành động thiếu văn minh lịch sự, không biết tôn trọng giữ gìn vệ sinh cho nguồn nước sạch chung, anh ta càm ràm chửi rủa inh ỏi. Nhìn kỹ lại thì hóa ra đó là cái quần của mình, anh liền nín thinh, giấu nhẹm.
Cũng là một hành động thiếu cẩn thận, không tôn trọng việc chung, là một việc làm không tốt. Nếu của người khác thì mình lên án inh ỏi. Nhưng nếu là mình làm thì giấu nhẹm, không dám nói ra. Không ai nói xấu về mình cả. Cũng ít có người dám nhìn thẳng và chịu trách nhiệm về những điều chưa tốt của mình để khắc phục, sửa sai. Con người thường khoe với nhau về những điều tốt đẹp, trong sáng, cao thượng.
Trong khi đó thực tế đời sống hằng ngày thì bê bối, lôi thôi. Nhân vô thập toàn. Ai cũng có những điều tốt và chưa tốt, đó là điều tất yếu nơi mỗi con người. Nhưng nếu biết trung thực với những khiếm khuyết của mình để cố gắng sửa đổi, vươn lên đúng như những gì tốt đẹp mà chính mình và xã hội mong muốn thì lòng mình cảm thấy trong sáng, thỏa mái, an ổn vô cùng. Nếu cứ quanh co, vòng vèo, khéo léo, xảo trá để giấu che thì chỉ làm cho mình dễ bị mặc cảm, yếu đuối, dằn vặt bởi những thứ xấu xa được ủ thối nhiều ngày trong lòng.
Người xưa từng nói: “Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ quay đầu lại”. Đức Phật dạy có hai hạng người cao thượng. Một là không bao giờ phạm lỗi, hai là biết hối lỗi, sửa đổi sai lầm. Sau khi chiến tranh, vua Trần Nhân Tông đã khoan dung, hỷ xả, tha thứ cho những tội nhân phản quốc biết quay đầu. Mọi người trong đời ai cũng tôn trọng trân quý người biết hổ thẹn, hối lỗi, sửa sai. Nếu chúng ta mạnh dạn đối diện với sự thật để khắc phục, sửa sai, hướng thiện thì ai cũng khâm phục, tôn trọng. Như thế sẽ thấy lòng mình nhẹ nhàng, an ổn.
Quý vị thử dõng mãnh, ngay thẳng trong từng tâm niệm sống; khi ở một mình cũng nghiêm chỉnh, đàng hoàng, trong sáng như khi đối diện với mọi người thì sẽ cảm nhận được tinh thần mình rất mạnh mẽ, sáng suốt và tự tin. Lúc này mới nhận ra giá trị biết sống thật với chính mình, không quanh co dối trá.
2/ Do dính mắc mọi thứ bên ngoài
Thói quen của đa số con người chúng ta là sống theo hình thức, hướng ngoại, đua đòi theo mọi thứ bên ngoài. Thấy bạn mặc một bộ đồ model thì mình cũng muốn có được một bộ đồ như bạn mà không cần biết model đó có mau lỗi thời, có phù hợp với mức sống gia đình mình, hay kinh tế của mình có cho phép hay không?
Thấy có cái laptop, iphone, ipad mới ra thì lòng lại nôn nao, tìm mọi cách mua về cho bằng được, đi đâu cũng tò tò bên cạnh như khoe của mà không biết nhu cầu công việc của mình có cần đến như vậy không. Cứ thế mà đòi mới, nới cũ, không bao giờ có điểm dừng, bị mọi thứ đời mới trói cột, buộc mình phải quần quật chạy theo, bất chấp mọi sai trái, lỗi lầm.
Hầu hết các tệ nạn xã hội đều do đua đòi, thiếu suy xét, đánh mất mình mà có ra. Khi quá quan trọng mọi thứ bên ngoài thì thường lấy nó làm hãnh diện, tạo thành một lớp vỏ bọc khoe khoang với xã hội, che đậy sự thật của mình. Một cuộc sống để cho quá nhiều thứ bên ngoài chi phối, không làm chủ được mình thì làm sao, lấy gì để sống thật là chính mình được?
Thử nhìn lại mình sẽ thấy rất rõ. Thí dụ như hôm nào đó gia đình cắt internet, không vào mạng được. Điện cúp, máy điện thoại hết pin, không có tivi. Có việc phải thức dậy từ 5 giờ sáng. Không có bún phở như mọi ngày, chỉ ăn sáng bằng cơm nguội từ hôm qua với đậu tương. Có lẽ các bạn trẻ chúng ta sẽ không thấy dễ chịu chút nào.
Ngày xưa ông bà mình mơ ước làm sao có được cơm trắng ăn với muối ớt là cảm thấy ngon quý vô cùng. Quý vị thức dậy từ 4 giờ khuya để đi làm khoai, làm ruộng. Nào có điện thoại, Tivi hay internet gì đâu, nhưng ông bà mình vẫn sống tốt. Ngày nay chỉ hơi thiếu chút tiện nghi là con người không chịu nổi. Thời xưa mọi người có lúc phải đi bộ từ Nam tới Bắc. Lên tàu lửa chật chội, chen chúc nhau, có khi chỉ đứng được một chân, nhưng con người vẫn tồn tại và duy trì sinh hoạt được.
Ngày nay đi xe phải chọn loại đẳng cấp. Lên xe tàu thì phải chọn chỗ thật êm. Đi máy bay phải đi hãng nổi tiếng, ngồi ghế VIP mới vừa lòng… Không biết tự lúc nào, mọi thứ của thời đại đã nhuốm màu lên con người ta, không còn là chính họ nữa. Không phải chúng ta nệ cổ bỏ kim, nhưng nếu là người thật sự không đánh mất mình, biết sống là chính mình thì hoàn cảnh nào cũng sống tốt, không câu nệ, đòi hỏi mọi thứ bên ngoài một cách thái quá, như thế mới chủ động, mạnh mẽ được.
Bên kia bờ sông là một ốc đảo. Người ta đồn bên ấy có nhiều điều phi thường, thi thố thần thông, bói toán rất giỏi, biết hết mọi chuyện quá khứ, vị lai, một nền văn minh hiện đại… Mọi người hiếu kỳ, không hề suy xét, bất chấp hao tốn, bỏ ra một số tiền khá lớn để được sang khám phá những điều đặc biệt phi thường kia. Anh A đi sang thấy một sự thật hoàn toàn trái ngược với lời đồn đãi, không có gì đặc biệt.
Cũng ăn, cũng ngủ, cũng tất bật, vất vả, thiếu trước hụt sau, thậm chí không được tự do thỏa mái như ở nơi quê nhà của mình. Có thể ban đầu khám phá được chút ít điều lạ, nhưng khi lòng hiếu kỳ đã tắt, sự tưởng tượng thái quá không còn, trả lại nguyên hình với con người xác thịt phàm phu của mình thì mới thấy mọi thứ đạt được kia chỉ là hấp dẫn nhất thời, không giải quyết được gì, không đi đến đâu cả.
Nhưng do đã trót tin theo lời đồn của thiên hạ, đã lỡ bỏ ra số tiền quá lớn, bán hết gia tài để được sang bên kia. Nếu nói thật bên ấy không có gì đặc biệt thì sẽ bị mọi người xem thường, chê cười.
Để bảo vệ bản ngã, che lấp sự nông nổi sai lầm của mình nên đành phải miễn cưỡng nói dối, tô vẻ vấn đề, ca ngợi lên tận mây xanh. Cứ thế người này truyền miệng sang người kia tạo thành một làn sóng, trào lưu sai sự thật, dối gạt lẫn nhau. Nhiều nơi như thế, nhiều người như thế, nhiều lĩnh vực như thế khiến cho con người chúng ta không còn nhận biết chính mình là gì nữa. Những người thiếu tự tin nơi chính mình, sống theo những lời phao tin đồn nhảm thường mang lại nhiều hiểm họa khó lường.
Thông thường khi thấy cái gì của nước ngoài thì mọi người liền cho là quý chứ không cần biết chất lượng của nó như thế nào. Thấy ai đó đi nước ngoài về thì cho là sang trọng chứ không hề biết sự thật cuộc sống của họ được dễ dàng, tốt đẹp như mình nghĩ hay không. Nghe một tư tưởng hay nền văn hóa nào của nước ngoài liền ưa chuộng, bị cuốn hút theo ngay chứ không hề tỉnh táo tư duy xem, sự thật nó như thế nào, kết quả cuối cùng sẽ đi đến đâu. Cứ như thế, con người đánh mất chính mình tự lúc nào chẳng rõ. Sống theo hình thức bên ngoài, lệ thuộc mọi thứ bên ngoài chứ chưa bao giờ được sống thực với chính mình.
Ban đầu, khi mới được ăn một tô bún thì cảm thấy rất ngon, nhưng nếu ăn bún lâu ngày thì sanh nhàm chán. Hôm nào thấy tô phở thì bỏ bún, đòi phở. Không phải do tô phở ngon hơn tô bún, mà do ăn bún lâu ngày thành chán nên thấy phở cứ ngỡ là ngon và đua đòi theo phong trào ăn phở vậy thôi. Nếu đổi lại, sáng nào cũng ăn phở thì cũng sẽ có lúc chán phở và thèm bún. Học theo nề nếp phương Đông lâu ngày thấy thường, không còn cảm nhận được giá trị. Khi tiếp cận văn hóa phương Tây thì bỏ mất mình, đua đòi theo.
Nhưng không biết rằng, đó chỉ là một trạng thái bật ngược lại của tâm hồn thôi chứ không hẳn văn hóa phương Tây là hay tuyệt đối. Chúng ta ở phương Đông thì học đòi theo phương Tây, nhưng những người phương Tây hiện nay lại có xu hướng nghiên cứu triết lý phương Đông. Rõ ràng là một sự đắp đổi chứ không phải do nền văn hóa chúng ta đang học theo là bậc nhất. Nhưng điều sai lầm của con người hiện nay là đánh mất mình để học đòi theo, bị cuốn theo cho nên nảy sanh ra những điều bất cập.
Trên thực tế, không có một nền văn hóa nào hơn một nền văn hóa nào cả. Mỗi một nền văn hóa đều tồn tại những điều hay và chưa hay; hoặc là hay với điều kiện này mà không hẳn là hay ở hoàn cảnh khác. Nếu chúng ta bình tâm tỉnh trí, vượt lên trên mọi ý tưởng để nhìn nhận, chọn lọc, biết học hỏi thì mình mới có lực tự chủ. Không bị cuốn theo bởi bất cứ điều gì, không bị một cái gì bên ngoài đồng hóa để phải đánh mất chính mình.
Không cần biết đúng hay sai, có chất lượng hay không chất lượng, chúng ta luôn tìm những điều mới lạ để thỏa mãn tính hiếu kỳ. Cụ thể mọi người thường có tâm trạng trông chờ ngày mai coi có gì mới lạ hơn không? Vì trong tâm trạng trông chờ cho nên vừa thấy có gì khác lạ thì liền bất chấp mọi thứ để lao theo như một con thiêu thân lao vào ánh đèn, không kịp suy xét.
Không biết có quá đáng không khi người xưa đã từng nói: “Một con chó già sủa bậy, cả bầy chó nhỏ sủa theo”. Hoặc có tâm trạng mơ mộng, cầu may làm sao mình trúng số để có được nhiều tiền… Tất cả những tâm trạng này cho thấy người này không có năng lực tự tin nơi chính khả năng mình, là mất mình, đuổi theo, lệ thuộc những điều chỉ có trong cầu mong, ảo tưởng, ngoài tầm tay, không biết tự sống là chính mình.
Mỗi người tự làm một cuộc thí nghiệm cho mình sẽ dễ nhận ra điểm này. Khi rảnh rỗi nhất, quý vị thích làm gì? Người thì đi shopping, người thì xem bóng đá, người thì đi phố, đi nghỉ dưỡng, nghe nhạc, xem phim, lên mạng chơi game, lên facebook, gọi điện cho ai đó, đi chơi với bạn bè…
Tất cả những câu trả lời đó cho thấy, con người luôn nương vào một thứ gì đó bên ngoài để sống, như một con vượn chuyền cành, vừa buông cành này lại nắm tiếp cành kia. Hễ rảnh chút xíu là thấy chơi vơi, trống vắng, tìm cái gì đó lấp vào chứ không biết chính mình là gì cả. Mới thấy chúng ta đang nô lệ mọi thứ bên ngoài một cách thái quá, chưa được sống là chính mình.
3/ Do không tự chủ
Khi gặp chuyện buồn, chúng ta tự nhủ với lòng mình không nên buồn nữa, nhưng nó cũng không nghe theo, buồn vẫn cứ buồn da diết. Khi gặp hoàn cảnh làm cho mình tức giận dữ dội, chúng ta tự ra lệnh cho mình dừng lại, không được sân giận như thế, nhưng cũng không thể tức thời dừng bặt ngay…
Những phiền não, tham lam, thói hư, tật xấu nơi mỗi con người chúng ta cũng tương tự như thế. Không ai muốn có những điều đó cả, nhưng do không tự chủ được cho nên bị nó khuynh loát, lấn hiếp, lừa gạt tinh vi, đưa con người vào chốn sai trái, ác độc, tạo khổ cho nhau. Những người biết mà cố tình vi phạm cũng do không tự chủ. Nếu chưa biết cách để chế ngự, làm chủ mình thì khó có thể vượt qua, không thể sống là chính mình được.
4/ Do chưa nhận ra chính mình
Đánh mất chính mình, dính mắc mọi thứ bên ngoài thì dễ bị mọi thứ bên ngoài sai sử. Không còn niềm tin nơi chính mình, hướng ngoại tìm cầu thì chỉ làm nô lệ cho tiền tài, danh vọng, vật chất. Không làm chủ chính mình sẽ không có được năng lực tự chủ, cuộc sống quanh co, không trung thực. Thô thì dùng vật chất bên ngoài để đánh bóng cho cuộc sống còn nhiều tồi tệ. Tế hơn thì dùng một số kiến thức để ngụy trang, che dấu sự bất tài mà không dám sống thật với chính mình.
Có rất nhiều nguyên do, nhưng tất cả đều do không nhận ra chính mình cho nên không có sức tự chủ, không được sống là chính mình. Chỉ cần nhận chân cái gì chính thật là mình thì các sai lầm khác tự khắc tiêu dung, trả lại một đời sống chính thật là mình một cách trọn vẹn.
III. CHÍNH MÌNH LÀ GÌ?
Muốn sống là chính mình thì điều tối thiểu đầu tiên cần phải biết, đó là “chính mình là gì?”. Nếu chưa xác định được chủ thể chính này thì cuộc đời không có định hướng, cuộc sống sẽ mất phương hướng.
Thấy bạn mình dùng vũ lực đánh đập người khác một cách dã man, A bảo:
– Cậu không nên hành động như vậy, lẽ ra phải khoan dung giúp đỡ người khác mới phải.
Anh B nói:
– Khoan dung, giúp đỡ người khác là tính cách của cậu. Còn tôi thì khác. Tôi không thể là cậu. Tôi chỉ muốn đánh anh ấy. Tôi phải là chính tôi.
Anh A bảo:
– Cậu không thể nhận hành động xấu xa tồi tệ đó làm chính mình được. Cái chính mình phải là điều tốt đẹp lương thiện cơ.
Anh B nói:
– Tốt hay xấu chỉ là do quan niệm của mỗi người thôi. Hành động đó cậu cho là xấu, nhưng với tôi thì nghĩ đó là nên làm.
Trước một thây chết, chúng ta có hành động thế nào họ cũng không thể nhận biết. Nhưng với người còn sống thì họ sẽ có nhận thức tốt xấu, thiện ác… Cho nên, thiện hay ác, tốt hay xấu chỉ là do quan niệm của mỗi một con người. Đã là quan niệm thì mỗi người sẽ có quyền quan niệm khác nhau.
Đánh một kẻ khác, anh A cho đó là xấu ác, nhưng với anh B thì đó là hành động tốt lành. Bởi nó chỉ là quan niệm và chúng ta có quyền suy nghĩ theo cách của mình. Phải làm thế nào để hai anh này nhận ra chính mình một cách đúng đắn? Không xác định được điều này thì đạo đức xã hội sẽ bị hỗn loạn.
Nếu chỉ dừng trên quan niệm tương đối thì con người sẽ không bao giờ có được định hướng để sống dứt khoát; khi vui thì nhường nhịn, khi thiếu kiểm soát thì hành hung. Chính vì lý do này mà nhân loại chưa mạnh mẽ để hướng thiện một cách tuyệt đối, khiến cuộc thế còn đó lắm nỗi lầm than.
1/ Cảm nhận từ đáy lòng mình, chính mình là hiền thiện
Lúc thiếu kiểm soát, không tỉnh táo, chúng ta hành hung, đánh giết, âm mưu thâm độc làm hại một người nào đó mình không ưa thích. Cho đến khi hành động thành công, hả hê, thỏa mãn như ý rồi. Thời gian sau mọi việc trở nên bình thường lắng dịu lại. Một buổi tối sau khi xong xuôi các công việc, tắm rửa, nghỉ ngơi, bất chợt nhớ lại sự việc vừa qua, tự dưng lòng mình cảm thấy xốn xang, khó chịu. Chính sự phản ánh của lòng mình xao xuyến, khó chịu cho biết việc làm và hành động trước kia là xấu ác.
Ngược lại khi làm một hành động giúp người, cứu nạn. Mỗi khi yên lặng nhớ lại thì lòng mình cảm thấy hân hoan. Chính tâm thái này cho chúng ta biết hành động trước kia là hiền thiện. Khi cõi lòng yên lắng, bình tĩnh, tâm mình sẽ phản ánh đúng sự thật của nó. Xao xuyến, khó chịu hay hân hoan, vui nhẹ trong lòng, tâm thái đó mỗi người tự nhận thấy, không thể chối bỏ cái mình đang nhận thấy được. Căn cứ trên tâm thái đó để biết mình sống và hành động tốt hay chưa tốt, chứ không chỉ đơn thuần là do quan niệm của xã hội bên ngoài.
Khi lòng yên lắng thì con người ta thường nhận ra nhiều điều, thấy được những hành động sai lầm, thiếu sót trước đó. Nếu đợi mọi thứ đã qua, hành động xong rồi mới nhận biết thì sự việc đã chậm trễ, lỡ rồi, làm sao cứu chữa kịp nữa? Muốn được hoàn hảo thì chúng ta phải nhận biết kịp thời. Tức là đem sự yên lắng của cõi lòng đặt ngay kịp lúc mình đưa ra quyết định. Muốn thế, chúng ta phải bình tĩnh, lặng lòng trong mọi lúc, trên mọi hoàn cảnh, trước khi hành động thì mọi việc sẽ không bị nhầm lẫn, lầm lỗi, được trọn vẹn, chu toàn.
Có người cho rằng, vẫn có một số cá nhân do lòng thâm độc, âm mưu phá hại người khác, xong rồi cảm thấy rất tự đắc, hả hê, họ không hề có chút ăn năn, áy náy thì làm sao nhận biết đó là sai quấy? Đây là hạng người đáng thương tâm! Đức Khổng Tử nói: “Phi trắc ẩn chi tâm, phi nhơn dã”. Có nghĩa, không có lòng trắc ẩn thì không phải là con người.
Đồng nghĩa, là con người thì ai cũng có lòng trắc ẩn, sẽ có lúc nghĩ lại. Người nghĩ lại, nhận ra sớm để sửa đổi thì may mắn vô cùng. Người làm ác mà còn hả hê, chưa có cơ hội để nhận ra ngay thì có ngày họ cũng sẽ nghĩ lại và nhận ra. Bởi lẽ họ cũng là con người. Đã là con người thì sẽ có lòng trắc ẩn nghĩ lại như bao nhiêu con người khác, nhưng muộn hơn và thiệt thòi cho họ.
Cuộc đời không có ai khổ mãi. Nhưng cũng không có ai vui mãi mà không có khi buồn, không ai thành mãi mà không có khi bại, không ai khỏe mạnh mãi mà không có khi bệnh yếu, không ai trẻ mãi mà không có lúc già, và cũng không ai sống mãi mà không có ngày chết. Người làm một việc ác mà còn hả hê được là do họ còn sức khỏe, còn tiền bạc, còn thế lực, còn tất cả những điều kiện thuận lợi che lấp, khiến họ chưa có cơ hội nhận ra. Sự hả hê kia là có điều kiện, là do dựa vào mọi thứ thuận lợi kia để chèn ép người khác mà có.
Nếu do điều kiện mà có thì cũng sẽ vì điều kiện mà mất đi. Có nghĩa là khi mọi thứ thuận lợi kia không còn thì lòng hả hê, tự đắc kia cũng không còn có chỗ để tồn tại nữa. Khi ấy trả lại một thân phàm thật sự, không còn lớp vỏ bao bọc của tiền tài danh vọng che đậy thì lòng trắc ẩn sẽ tự hiện ra, mọi hành động xấu ác đua nhau hiện về xé nát cõi lòng trên một tấm thân già còm cõi, bệnh hoạn, yếu đuối, khổ não không biết nương tựa vào đâu. Đến lúc này mới nhận ra thì đã muộn màng, tội nghiệp cho sự mê mờ che đậy quá sâu dày, đưa đến đau khổ. Người xưa nói:
“Quá hậu nãi tri tiền sự thố,
Lão lai phương giác thiếu thời phi”.
Nghĩa là: Sau khi làm lỗi rồi mới biết việc làm trước đó là trái.
Khi già rồi mới biết lúc trẻ là sai.
Một đôi khi do lòng tham thôi thúc, do nóng giận sôi sục nên nhất thời khiến con người hành động thiếu suy nghĩ. Đến khi tạo tội lỗi rồi thì lòng mình tự nó nguội lại, lắng dịu, mới nhận biết sự việc trước đó là lỗi lầm. Có khi do sự nông nổi, bồng bột của tuổi trẻ khiến con người hành động ngang ngược, nói càng, sống bừa. Đến lúc có tuổi, chững chạc, tâm mình trở nên trầm tĩnh, sâu lắng, sẽ tự nhận ra những việc làm sai trái của thời trẻ trung.
Cho thấy, chính tâm bình, khí hòa, trầm tĩnh, sâu lắng mới phản ánh được hành động của mình một cách khách quan, trung thực, chính xác. Nếu vì các tác động khác như là buồn vui, thương ghét, mừng giận, tham lam… hay vì các điều kiện sức mạnh, háu thắng, quyền uy, địa vị, thế lực… để quyết định vấn đề, để hành động, để sống thì sẽ bị sai lầm, khiến mình ăn năn, ân hận, khổ não về sau.
Bởi lẽ sau khi hành động rồi thì các trạng thái buồn vui, thương ghét… từ hành động kia sẽ tự lắng xuống; các điều kiện khác như là sức mạnh, thế lực… đến lúc không còn thì lòng mình cũng tự trả lại âm trầm. Lúc này mọi việc thiện hay ác, tốt hay xấu tự nó được phản ánh trung thực từ tâm thái yên lặng này. Nó sẽ tự động hiện lên trong cõi lòng mình, chúng ta sẽ nhận thấy rất rõ và phải gánh lấy hậu quả; không thể lưu manh, gian xảo hay khéo léo chối bỏ được tòa án trung thực tự đáy lòng mỗi người. Một người con hằng ngày ngỗ nghịch bất hiếu với bố mẹ như thế nào thì khi bố mẹ đột ngột qua đời, nó sẽ ân hận và khóc nhiều như vậy. Nếu chờ khi lầm lỗi rồi mới nhận biết, đợi đến lúc già mới hay ra thì quá muộn, lỡ lầm, không còn cơ hội sửa sai.
Chi bằng dùng tâm yên lặng của lúc xong việc, sự trầm tĩnh, sâu lắng của tuổi già đặt vào ngay vị trí trước khi hành động hay làm một việc gì thì sẽ sáng suốt, không bị sai lầm để phải ân hận, hối tiếc, sầu khổ về sau.
Như vậy, căn cứ vào cõi lòng yên lắng, thanh tịnh của mình phản ánh trung thực để nhận biết hành động chúng ta làm là hiền thiện hay xấu ác.
Sống và hành động xấu ác sẽ đưa đến xao xuyến, dằn vặt, xáo trộn, điên loạn, khổ đau. Nghĩ và làm việc hiền thiện thì sẽ được hân hoan, an vui, cao thượng. Là người thông minh sáng suốt thì tự biết chọn hướng sống cho mình. Bất kể trước mặt hay sau lưng, mọi người có biết hay không thấy biết, chúng ta vẫn luôn luôn sống trung thực đúng với chính mình. Chọn hướng sống hiền hòa, lành mạnh để đưa đến một cuộc sống an vui, tự tin, không hổ thẹn với mình và mọi người.
2/ Chính mình là nội tâm an tĩnh, vượt lên trên thiện và ác
Khi thấy con rắn bắt con nhái, chúng ta nên xử lý thế nào cho trọn vẹn? Nếu cứu con nhái thì con rắn bị đói, ác với con rắn. Nhưng để con rắn được no thì con nhái sẽ rất đau khổ, cũng không công bằng. Trong cuộc sống, như là trong các mối quan hệ liên quan giữa những thành viên trong gia đình, bạn bè, công sở, xã hội…, chúng ta vẫn thường gặp nhiều trường hợp không dễ xử lý. Có những sự việc xảy ra đa chiều, không dễ dàng để chọn lựa được một phương hướng xử lý. Có khi phải chấp nhận tương đối mới giải quyết được. Cho thấy, thiện và ác, tốt và xấu chưa thoát khỏi vòng tương đối của thế gian.
Trên tương đối thì thiện vẫn tốt hơn ác. Nhưng trên tuyệt đối thì thiện và ác vẫn chưa rời khỏi tâm dao động. Chính sự dao động này làm cho chúng ta mất năng lượng, không có lực, lòng còn nhiều phân vân, không ổn định cho nên còn bị các sầu khổ trong đời chi phối. Có những người đã sống đúng, hành động đúng, nhưng vẫn cứ nghe cõi lòng mình còn xao xuyến, chưa an. Đó là do chưa nhận ra cái chính mình rốt ráo chân thật, bất động, sáng suốt, an nhiên.
Tuy làm thiện, sống tốt, nhưng còn nằm trong vòng tương đối dao động của thiện và ác, tốt và xấu cho nên tâm mình chưa được an tĩnh, chưa thoát khỏi sự chi phối của khổ đau. Do đó, hành thiện, tránh ác, làm điều tốt, tránh điều xấu, nhưng tâm mình phải an tĩnh, thanh tịnh thì mới an nhiên và ổn định được. Mới thấy, cái chân thật chính mình không chỉ dừng trên cách sống hiền thiện mà còn tâm mình phải được thanh tịnh nữa. Chính tâm thanh tịnh, bất động, không sanh khởi nhưng vẫn sáng suốt, biết hết mọi thứ không ngăn ngại mới chính thật là mình.
Đối với sự thể có thể xử lý được hoàn hảo, tuyệt đối thì dễ dàng cho chúng ta chọn lựa được một hướng giải quyết. Với hoàn cảnh không phải một chiều, mang tính tương đối thì chúng ta nên dùng tâm an tịnh, thật sự tốt để tùy thời, tùy việc xử lý trong tương đối. Như thế, cách giải quyết sẽ được thấu tình, đạt lý. Bởi lòng chưa thanh tịnh, không trong sạch và chưa thật sự tốt thì dễ sai lầm khi dùng lý tương đối này. Như là xử lý theo bản ngã, tình cảm, theo các tác động khác bên ngoài… đưa đến hành động sai lầm, tai hại.
Nếu tâm thanh tịnh sẽ cho chúng ta một năng lực định tỉnh, trí tuệ rõ ràng, dứt khoát, xử lý sự việc sắc nét. Sau khi xử lý công việc đúng theo cách tối ưu trong chừng mực của tương đối rồi, chính năng lực định tỉnh, sắc nét này sẽ giúp cho mình không còn xao xuyến, không bị cái tương đối trong đời chi phối nữa. Đó là cách biết sống thật là chính mình.
IV. TAI HẠI KHI KHÔNG ĐƯỢC SỐNG LÀ CHÍNH MÌNH
1/ Thiếu tự tin, luôn bất an, đau đáu lo sợ
Như người phạm tội, ngày đêm luôn che dấu, lo sợ mọi người như thế nào thì người sống thiếu trung thực, sống bằng vỏ bọc giả dối bên ngoài lúc nào cũng đau đáu sợ người khác nhận biết được sự thật của mình cũng như thế ấy. Vì thế, lúc nào cũng sống trong nơm nớp lo sợ, thiếu tự tin, cuộc sống nặng nề, khổ sở.
Người xưa nói: “Cảnh cùng khốn phải chăng là trường thí nghiệm về nhân cách con người? Phải chăng, cùng khốn hay không cùng khốn là do hoàn cảnh. Cảnh có thể cùng khốn mà cuối cùng không thể làm cho cùng khốn là do con người? Cái mà bậc trượng phu giữ gìn là trung chánh, tuy rằng trăm lần gãy đổ mà họ vẫn điềm nhiên không lo lắng. Cái mà tiểu nhân hướng tới là tà vạy, sớm chiều bo bo mưu kế vị lợi. Cho nên, sự phân biệt giữa trượng phu và tiểu nhân là ở ngay trong cảnh cùng khốn mà thấy rõ”.
Có nhiều người thường dựa vào mọi thứ như là sức khỏe, của cải, quyền uy để làm lớp vỏ che đậy những tâm niệm và việc làm tà vạy, xấu ác, ngụy trang cho cuộc sống của mình. Khi mọi thứ đang thuận lợi, họ thường lấy đó làm sức mạnh. Sớm chiều bất chấp thiện ác, đúng sai, chỉ biết nương vào thế lực để bo bo mưu kế, trục lợi cá nhân, ngỡ như chiến thắng, yên ổn, thành công. Cho đến khi mọi thứ không còn thuận lợi, lâm vào cảnh cùng khốn thì ngày đêm lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên vì cuộc sống ngụy trang giả dối, vì hành động thiếu suy xét của mình.
Lúc này mới biết, lâu nay mình chỉ sống theo mọi thứ bên ngoài, không có gì là chính mình cả. Khi đối diện với thước đo nhân cách con người, họ sẽ khổ đau, bất lực. Nếu là bậc trượng phu, ngay thẳng, trung chánh, sống thật là chính mình thì dù có trăm lần thất bại, oan ức, gãy đổ; dù cuộc đời này có ban tặng những món quà bất như ý để thử thách thế nào đi nữa thì họ vẫn điềm nhiên, tự tin, an ổn, không lo lắng.
Một người không may bị bệnh ghẻ ngứa, dù có ngụy trang bằng nước hoa, cho ở nơi lầu cao cửa rộng thế nào đi nữa thì ngứa vẫn cứ ngứa, không che đậy được. Nếu được chữa trị lành hẳn thì có nằm dưới đất cũng vẫn cảm thấy an ổn vô cùng. Lòng đã trung thực, trong sáng, cao thượng thì ở chỗ nào cũng được thành tựu, chứ không phải do ở chỗ này mình được tốt mà đến chỗ kia thì không được tốt lành. Cho thấy, người sống trung chính, sống thực là chính mình thì ở vào hoàn cảnh nào cũng được an vui, lợi ích. Kẻ sống tà vạy, giả dối, ngụy trang thì không bền chắc và lúc nào cũng dằn vặt, bất an.
2/ Tai hại không lường
Khi không nhận ra chính mình, sống theo bên ngoài thì mọi sai lầm từ đây có ra. Có nhiều đứa trẻ ban đầu chơi game như là một sở thích bình thường của trẻ con. Lâu ngày say sưa, sống trong thế giới ảo, quên hết những hiện diện xung quanh, chỉ biết vui buồn, mừng giận trên các trò chơi ấy. Cho đến một lúc mất hết quyền kiểm soát của bản thân, không còn biết mình là ai và đang sống như thế nào nữa, bắt đầu mang bệnh, phải nhập viện, nhờ đến sự can thiệp của thuốc thang và bác sĩ.
Từ một người đang bình thường, chỉ do quên mất chính mình, sống theo ảo ảnh bên ngoài để phải trở thành một bệnh nhân tâm thần thật là oan uổng. Chưa hết, có không ít người do nghiện game, dẫn đến những hành động táo bạo gần như không phải tính người.
Đôi khi rảnh rang muốn lên các trang mạng xã hội tán ngẫu. Tưởng như đó chỉ là một cách thăm hỏi hay nói chuyện tào lao cho đỡ buồn, hoặc học lấy một điều gì hữu ích. Có ai ngờ đâu, lần hồi chạy theo những thứ mới lạ, đúng sai, vui buồn trên đó. Cho đến một hôm thiếu vắng internet thì không chịu nổi, mới biết mình đã trở thành người nghiện facebook tự hồi nào không rõ.
Đây là do không biết sống bằng chính mình mà hướng vọng theo bên ngoài, dẫn đến tai hại sống trong thế giới ảo tưởng, ngông cuồng thái quá, thậm chí có những hành động không phải của một con người tỉnh táo, bắt đầu điên loạn, tai hại khó lường. Những hiện tượng này hiện đang tràn lan ngoài xã hội khiến cho nhiều gia đình phải rơi vào hoàn cảnh đáng thương.
Nơi sản sinh ra các công nghệ cao như iphone, ipad, hay chủ các trang mạng xã hội là các nước ở Tây phương như Mỹ… Nhưng những người trẻ ở đây đã nhận ra đó chỉ là mọi thứ ảo tưởng, sống trong ảo ảnh, không thật nên đã nhàm chán, xem thường, không còn thích thú với những thứ trên internet nữa. Họ bắt đầu trở về với cuộc sống thực tế đời thường; làm vườn, nhổ cỏ, đánh luống, trồng rau. Họ nhận ra mọi người chung quanh là những con người thật họ được tiếp xúc; những luống rau xanh là những thứ họ thưởng thức được, cảm nhận rõ ràng. Họ không còn bị ăn bánh vẽ của những thứ trên mạng.
Chính cuộc sống thực tiễn này mang lại cho họ niềm vui an lành, hài hòa, thỏa mái thực sự. Trong khi đó chúng ta lại đang mê mẩn, đắm đuối, say sưa, cuống cuồng chạy theo những thứ ảnh tượng mà chính những người sản sinh ra nó đã bỏ đi, không còn mặn mà nữa. Mới thấy, mình đang bị mê man, lầm đường, lạc lối một cách thái quá. Nếu như sực tỉnh, chúng ta sẽ không thể chấp nhận hay tưởng tượng nổi sự mê muội của chính bản thân mình.
Cũng do đua đòi, thiếu suy xét cho nên có không ít người thoáng chốc trở thành con nghiện xì ke, ma túy, làm khổ người thân, trở thành tệ nạn xã hội và cuối cùng tự đưa cuộc đời mình vào chỗ chết dần chết mòn một cách ngây dại. Đó chỉ là một vài dẫn chứng điển hình, giữa đời này còn có vô vàn những tai hại do sống mất mình không thể kể hết. Gẫm lại, nhìn cho tường tận mới thấy giật mình!
3/ Mất mình là gốc của mọi đau khổ
Khổ đau lớn nhất của con người là mất tự do. Làm thành viên trong một gia đình quá khắc khe, thiếu sự cảm thông chia sẻ giữa mọi người với nhau, không tôn trọng nhau, luôn bị lệ thuộc, không có chút quyền tối thiểu của chính mình. Như thế sẽ đưa đến cuộc sống ngột ngạt, khó thở; cũng khổ đau. Một đất nước bị nô lệ, người dân sẽ lâm vào cảnh lầm than, không làm chủ được mình; cũng khổ đau. Mọi thứ không chịu chuẩn bị cho chu đáo, đụng đến thứ gì cũng phải đi nhờ vào người khác, không chủ động; cũng khổ đau.
Khi sống lệ thuộc vào mọi thứ bên ngoài như tiền tài, danh vọng…, sẽ mất tự chủ; cũng khổ đau. Cuộc đời vẫn còn đó vô vàn những thứ khổ đau tương tự như vậy, nhưng đều bắt nguồn từ nguyên nhân không tự chủ, mất mình. Cho đến nổi khổ lớn triền miên, dai dẳng trong luần hồi sanh tử cũng do mê mờ, không nhận ra cái chân thật chính mình mà có ra. Tóm lại, quên mình, không làm chủ, không được sống là chính mình sẽ sanh ra mọi sai lầm, khổ não. Mới thấy, giá trị được sống là chính mình lớn lao biết dường nào!
V. Hãy Sống Bằng Chính Khả Năng Của Mình
Lúc còn đi học, thấy bạn bè có gì thì mình cũng đòi bố mẹ phải mua cho bằng được. Thấy các bạn phô diễn thời trang, học đòi theo thói đời ăn chơi ra vẻ thời thượng… mình cũng cố tìm mọi cách đua đòi cho kịp chúng bạn, không chăm chỉ học hành. Là người trầm tĩnh, biết tư duy đúng đắn sẽ không như thế. Bởi còn ngồi trên ghế nhà trường, mọi thứ đều phải sống nhờ vào gia đình, tự mình chưa làm gì ra tiền của cho nên không có gì là của mình cả.
Dùng cái của người khác để tô đắp cho kiểu ăn chơi xa xỉ của mình mà cho là thời thượng, hào phóng, phong lưu được sao? Đó chỉ là một sự giả tạo, lợi dụng sức lao động của người khác chứ không phải của chính tự thân mình. Nếu cứ mang tư tưởng sống tựa vào người khác, lấy cái của người khác làm của mình như thế lâu dần sẽ trở thành một thói quen, không biết tự lo cho mình. Không lo học tập, không biết tự lập, không phấn đấu tự thân, sau này không thể tự đứng vững bằng đôi chân chính mình. Một mai bố mẹ già yếu, của cải không còn, mình không đứng vững, trở thành một người thụ động, bất lực, vô tích sự trước cuộc sống của những bạn bè thành đạt. Lang thang đầu đường cuối phố, mọi người gặp mãi cũng chán, bảo không ai nghe.
Cái gọi là thượng lưu, hào phóng, cái thế anh hùng thời học sinh, lúc này chỉ còn là ảo ảnh, ký ức, không đem ra sử dụng vào đâu được cả. Bây giờ mới biết mình đã sai lầm. Mọi chuyện muộn màng, làm sao có thể quay lại thời tuổi thơ để sửa đổi nữa? Đó là tai hại do không biết tự lo cho mình, không biết định hướng sống bằng chính mình.
Vẫn có những bạn cùng học chung lớp, nhưng bao giờ cũng nghiêm chỉnh, giản dị, chăm chỉ học hành để định hướng cho tương lai mình. Nếu bạn bè có biếm nhẻ là yếu hèn, không biết sống theo thời thượng thì bạn ấy cũng không hề bị chi phối, cuốn theo bởi những cách nghĩ sai trái, lối sống không phải của một học sinh. Bởi mình là học sinh, chính mình chưa tự làm ra được tiền bạc của cải gì cả. Cuộc sống hiện tại hoàn toàn nhờ vào bố mẹ, cho nên yếu hèn với những trò ăn chơi hư đốn cũng phải. Bởi đã có gì là của mình đâu mà phong lưu với thời thượng? Bổn phận, trách nhiệm, thế mạnh lúc này là cố gắng chăm chỉ học hành, rèn luyện bản thân, chuẩn bị cho mình một tương lai bằng chính năng lực của mình…
Thấy thực chính mình như thế, sẽ có một lối sống đúng đắn, tích cực, đưa đến thành tựu trong học tập và tương lai đời mình. Hai mươi năm sau trở thành một người thành đạt, ngồi một chỗ cũng không thiếu những người đến thăm hỏi, sẻ chia. Mọi thứ lúc này mới là của mình làm ra, sống bằng chính cái của mình, đồng thời còn giúp thêm được nhiều người, nhiều lĩnh vực cho cộng đồng, xã hội. Không vui thích hơn sự hào phóng hư ảo của trẻ con hay sao?
Trong một gia đình giàu có nọ, chỉ có một cậu con trai, bố mẹ rất thương quý. Gia sản nhà này tiêu xài đến đời con đời cháu cũng không hết. Tuy nhiên, ông bố không dễ tính. Đến tuổi trưởng thành, ông bảo cậu con trai phải tự đi kiếm tiền bằng chính năng lực của mình mang về cho ông xem. Nếu được thì mới trao gia tài cho, bằng không thì ông sẽ sung vào công quỹ phúc thiện xã hội chứ không cho cậu ta dù chỉ một đồng.
Là một công tử nhà giàu chỉ quen xài tiền, hưởng thụ chứ chưa bao giờ nghĩ đến việc phải lao động làm ra đồng tiền bao giờ. Thấy con bối rối, bà mẹ lén lấy một ít tiền và bảo con tạm đến một thành phố khác, thuê một chỗ ở trong khu nghỉ dưỡng cao cấp và nghỉ ngơi ở đó một thời gian, sau đó lấy số tiền này mang về trao cho bố. Như lời mẹ dặn, một tháng sau cậu con trai về nhà mang ba triệu đồng trao cho bố và thưa, đó là đồng lương đầu đời mình vừa kiếm được.
Tức khắc, ông bố nắm tiền ném vào bếp lửa, bà mẹ nhớm người định ngăn lại trong khi cậu con trai vẫn dửng dưng đứng nhìn. Bởi chừng ấy tiền chưa đủ để cậu ta dùng vào một bữa tiệc. Ông bố mỉm cười bảo, đây không phải tiền của chính con tự tay làm ra. Thế là hôm khác quyết tâm lên đường, cố gắng tìm một công việc gì tự mình lao động xem coi thế nào. Thế rồi cũng được một công ty nhận vào làm việc. Ngày đêm quần quật, vất vả suốt cả tháng trời, cậu nhận được hai triệu đồng tiền lương bằng chính mồ hôi nước mắt của mình mang về dâng lên bố. Ông bố cầm lấy vừa định xé rách làm hai, cậu ta nhanh nhẩu giật lại. Nhìn nét mặt, thần sắc và hành động cậu con trai, ông bố rất cảm động cho sự trưởng thành của con mình và trao toàn bộ gia tài lại cho anh ta quản lý.
Đồng tiền từ sức lao động chân chính, từ chính sự nỗ lực của mình làm ra bao giờ cũng có giá trị, có ý nghĩa và chúng ta mới trân quý, sử dụng đúng chỗ. Nếu chưa tự mình trải nghiệm khó khổ để biết giá trị vật chất có ra từ mồ hôi nước mắt của người khác như thế nào thì cậu con trai sẽ tiêu xài vô tội vạ. Tài sản có gấp nhiều lần của bố mẹ anh ta đang có cũng không đủ cho anh dùng vào những nơi tệ nạn, hư đốn và cuối cùng tự giết chết đời mình. Trao tài sản cho một con người như thế là trao tai họa cho chính họ.
Một ông bố đã khéo léo dạy con mình biết nhận ra giá trị đồng tiền để sau này quản lý tài sản một cách có hiệu quả, sẽ mang lại lợi ích cho cuộc sống của cậu con trai và mọi người. Giá trị này chỉ dành cho những ai biết sống bằng tự thân nổ lực phấn đấu của chính mình; không lợi dụng hay nương tựa vào thế lực bên ngoài thì mới cảm nhận được.
Có những người con do thiếu suy nghĩ, được bố mẹ dồn hết sức để lo cho rồi mà vẫn chưa hài lòng, luôn trách cứ bố mẹ, tại gia đình này nên tôi mới ra nông nổi này. Tại sao không nghĩ mình đã làm được gì cho bố mẹ, cho xã hội, mà lại đòi hỏi bố mẹ hay xã hội phải làm gì cho mình? Đó là do không biết sống bằng chính khả năng của mình, không biết phấn đấu tự thân cho nên dẫn đến suy nghĩ và hành động tiêu cực.
Do đây, con người trở nên thụ động, nhỏ nhen, luôn nghĩ mọi người phải làm gì cho mình mà không tự mình làm nên một tích sự gì cả. Bố mẹ không thể có tiền để cho mãi, và trên đời này không ai sinh ra để nuôi ai cả. Khi đã hiểu sai, chính mình không lo được cho mình thì sẽ có ngày tự đưa mình vào ngỏ cụt không có lối thoát. Người như thế thì bố mẹ có cho bao nhiêu tài sản họ cũng không thấy đủ. Họ sẽ tiêu xài đồng tiền vô tội vạ, lần hồi đi đến chỗ hư đốn, tệ nạn, xấu xa. Đó là tai hại do không biết sống bằng chính năng lực của mình.
Tình cờ gặp một người giàu sang, có địa vị trong xã hội, chúng ta nghĩ đến: “Mình có gì cần nhờ vả họ?”; hay quan tâm hỏi: “Tôi có thể giúp được gì cho anh?”. Thực tâm nhìn lại lòng mình, mới biết chúng ta có phải là những người con trong câu chuyện trên hay không nhé!
Một bạn sinh viên có hoàn cảnh gia đình không khá giả lắm. Tình cờ được anh bạn đại gia rủ đi đến một vùng được gọi là thiên đường của trần gian để nghỉ dưỡng. Bạn ấy suy nghĩ, nếu sống bằng chính mình, không nương vào người khác thì không bao giờ mình biết được cảm giác nơi ấy như thế nào. Còn đi chơi thì đã nương theo người khác. Thà không phải là chính mình, nhưng có được cảm giác vui đó vẫn hơn. Như vậy có ổn không?
Mình là con nhà nghèo, tự mình không có khả năng và phải nhờ đến anh chàng đại gia mới có thể đến được nơi thiên đường trần gian ấy. Mình biết như thế thì anh chàng kia cũng tự nhận thức được điều đó. Khi chấp nhận đi chơi có nghĩa là chấp nhận theo suy nghĩ đó. Đồng nghĩa đã đánh mất nhân cách, phẩm chất và tự đưa mình vào giai cấp hạ tiện, sống gởi, ở nhờ, thuộc cấp dưới của địa vị, đồng tiền. Với mình hiện tại, anh ta sẽ không cần thiết. Và vì mình là kẻ được ban ơn, do đó khi vui thì ban cho một cuộc đi chơi; lúc buồn, không thích thì hất đi, không hề thương tiếc, cũng không thèm bận tâm để ý làm gì.
Một cuộc đi chơi như thế mà cho là vui được sao? Thuở ông bà mình xưa kia, người đi ăn xin thà chết đói chứ không bao giờ nhận của những người cho mà không tôn trọng, không đúng cách. Hiện tại chưa đến nổi đói rét, nhưng lại đi nhận một thứ không được tôn trọng, nhân phẩm của mình bị xem nhẹ, rẻ rúng mà cho là đẳng cấp được sao?
Ngược lại, bằng với những gì gia đình mình có được, chúng ta cố gắng học hành, trau dồi kỹ năng, không cần những thứ ăn chơi nhất thời đó. Sau này ra trường với tấm bằng đại học loại giỏi, có năng lực, trung chính, siêng năng, cần mẫn. Khi ấy, những người đại gia kia phải đi tìm và năng nỉ mình về làm việc cho họ. Nhìn lại trên đời có biết bao người tài sản đồ sộ, nhưng không tìm ra nhân tài đạo đức để quản lý, làm việc.
Chúng ta có đủ những tố chất đạo đức, trí tuệ, năng lực thì họ sẽ phải cần mình thôi. Đồng tiền không thể mua được phẩm chất và giá trị của mình lúc này. Không đánh mất nhân phẩm, tuy nghèo nhưng vẫn có thế mạnh riêng của mình. Lúc này được họ tôn trọng, họ cần mình chứ mình không phải sống nhờ, ở gởi như trước đây nữa. Cuộc sống như thế không vui thích và cao thượng hơn sao?
Tuy hát không hay, nhưng khi tự hát sẽ cảm thấy thích thú hơn nghe người khác hát. Món quà giản dị, như chỉ là một chú hạc giấy tự tay cậu bé sáu tuổi mày mò gấp lại, nhưng sẽ là một món quà được yêu quý nhất trong ngày sinh nhật mẹ mình. Sống bằng năng lực trau dồi của chính tự thân, cuộc sống bao giờ cũng có ý vị, thanh cao, thích thú hơn những niềm vui nhất thời bên ngoài không chính đáng.
Sống là chính mình một cách cao thượng, không phải dính mắc, cố chấp vào những thành tựu mình đạt được, nghĩ đến những điều cao xa, vĩ đại… Như thế sẽ lập thành tự ngã, dễ bị các triệu chứng như những người bệnh sỉ. Đây sẽ là một chướng ngại lớn trong cuộc sống, dễ đánh mất chính mình theo một hướng khác rồi đưa đến sai lầm, khổ đau. Chỉ là chúng ta không hãnh diện hay tự đắc vào những thành quả; không cần cố chấp, dính mắc, đắm chìm vào những nơi cạn hẹp, đê hèn, đen tối, ích kỷ, vụn vặt, nhỏ nhen… thì tự nhiên trở thành một cuộc sống cao thượng đúng nghĩa là chính mình; lưu thông, thanh thoát, quảng đại, lợi ích, an vui.
Hằng ngày mạnh khỏe mới nương nhờ được nhiều thứ bên ngoài; chia bùi, sẻ ngọt, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Đến khi nằm trên giường bệnh rồi thì mọi thứ bên ngoài đều vô nghĩa, bất lực. Sự trái ngang, cay nghiệt của cuộc đời là như thế. Lúc chưa cần thiết thì lại cho phép chúng ta giúp đỡ nhau được. Đến khi cần rồi thì có muốn giúp cũng không thể giúp được gì thêm. Có quý trọng nhau bao nhiêu cũng không thể gánh thay cho sự đau đớn của mình lúc này.
Nhà cao cửa rộng, của cải ắp lẵm, tràn trề, nhưng không cứu được mạng sống mong manh. Chức lớn quyền cao, cũng không che chở, sống thay cho mình được. Lúc này, chỉ có năng lực của cái chân thật chính mình mới cứu giải được cho mình. Nếu đã nhận chân cái chính mình chân thật, hằng ngày huân sống thì tự nó sẽ có mãnh lực, định tỉnh, sáng suốt. Cái đau của thân thể bệnh hoạn không làm cho năng lực này đau được. Trong chân trời sáng biết bất động này, bóng dáng đau khổ của nội tâm không còn. Chính mãnh lực định tỉnh, sáng suốt này cho ta một khả năng ổn định, tỉnh sáng, không gợn chút bàng hoàng, lo sợ gì cả. Không phải sống để chờ bệnh, chờ chết, mà bệnh chết là điều mà ai cũng lo sợ, cho nên lấy đó để đo lường năng lực sống của mình.
Khi đã sống là chính mình đúng nghĩa, trọn vẹn, chúng ta sẽ có được sức định tỉnh, an vui, lạc quan trong từng khoảnh khắc, đưa đến mọi thứ thành tựu trong đời. Lúc bệnh, gặp chuyện không may, hay đứng trước ngưỡng cửa tử thần, năng lực này giúp chúng ta hóa giải, không chi phối để cho mình phải đớn đau, lo sợ, khổ não… Sống được như thế mới cảm nhận được sự lợi lạc khi biết sống trọn vẹn bằng chính cái chân thật nơi mình.
VI. LÀM SAO ĐỂ ĐƯỢC SỐNG LÀ CHÍNH MÌNH?
1/ Ít ham muốn, luôn biết đủ
Trong cuộc sống, chúng ta nên thành thật nhìn lại để biết mình là ai, khả năng đang ở mức nào. Nhận rõ như thế sẽ biết đủ, biết bằng lòng với những gì đang có và phấn đấu trong khả năng thực tế của mình, không mong cầu hay ảo tưởng một cách thái quá. Người biết đủ thì nằm dưới đất cũng cảm thấy an ổn, hạnh phúc. Nếu luôn tham cầu, ảo tưởng thì có nằm trên trời thì cũng đêm ngày lo lắng, bất an.
Hôm nay ai đó biếu mình một món quà, chúng ta tôn trọng nhưng không phải là quan trọng. Hôm sau họ đòi lại, hay nhỡ mất đi, mình vẫn bình thường. Có và không có giống nhau. Bởi xưa nay không có nó mình cũng không chết bao giờ. Bất cứ một thứ gì thiếu nó mà không chết thì chúng ta không quan trọng, không cần. Trong cuộc sống, chúng ta có quyền phấn đấu tốt nhất có thể, nhưng không nên đặt mọi thứ vào nơi quá quan trọng. Sáng suốt, mạnh mẽ, dứt khoát, bản lĩnh để sống được như thế thì không có bất cứ một thứ gì bên ngoài có thể mê hoặc làm khổ mình được, sẽ trả lại tự chủ chính thật là mình.
2/ Nhận ra giá trị chân thật chính mình là lớn hơn tất cả
Cái khổ lớn nhất của con người là do không chiến thắng được bản thân, đánh mất chính mình, lệ thuộc mọi thứ bên ngoài. Muốn thắng được mình, không còn bị mọi thứ bên ngoài chi phối, chúng ta cần nhận ra một chân giá trị lớn hơn những thứ chung quanh đang có. Có thế mới làm chủ được ngoại cảnh, mới được sống là chính mình.
Khi lòng rộn ràng, cuống cuồng, sống vội thì không có nội lực, không tự chủ. Gặp duyên thuận thì hớn hở, lao theo, bằng mọi thủ đoạn để chiếm lấy về mình. Gặp chuyện trái ý nghịch lòng thì giận điên lên, không kềm chế được. Ra phố thấy món hàng ưng ý, nhưng chưa đủ tiền nên đành phải dừng lại. Cũng chưa chịu buông tha, đi tới đi lui, quẩn quanh một vòng rồi cũng đến chỗ đó nữa. Một hồi tìm đủ mọi cách và mua về cho bằng được… Đó là đã bỏ mất tính tự chủ của con người, là bỏ mất chính mình, bị ngoại cảnh bên ngoài chi phối. Tham lam, sân giận, mưu mô, lầm lỗi… do nguồn gốc này mà có ra. Từ đây lầm đường, lỡ bước, khổ đau dai dẳng, não nề, mất quyền tự chủ, không còn là một cuộc sống của chính mình nữa.
Trên mọi hoàn cảnh, nếu luôn bình tâm tỉnh trí, lắng lại cõi lòng, lâu ngày trở thành thói quen và sẽ cảm nhận được năng lực định tỉnh, trí sáng, lòng mình nhẹ an. Lúc này mới cảm nhận được giá trị sống này là tối thượng, mọi thứ bên ngoài trở nên bình thường, không còn đủ sức hấp dẫn hay chi phối nữa. Một khi đã có sức sống này rồi thì tùy thời vận dụng rất linh hoạt, thành công. Với một thời đại văn minh, chúng ta cũng đủ năng lực và trí tuệ để phát huy tốt. Nếu như gặp cảnh không thuận thì tâm mình vẫn bình thản, an nhiên. Đó là người biết sống bằng chính mình, tự chủ thật sự. Không có bất cứ một thứ gì bên ngoài đủ sức chi phối khiến mất mình, lầm đường lạc lối để phải khổ đau một cách ngây thơ, oan uổng nữa.
VII. KẾT LUẬN
Một thoáng yên tĩnh, chúng ta đã cảm nhận được sự an ổn và niềm vui thanh thoát lạ thường. Huống nữa luôn sống với chính mình, sự định tỉnh, sáng suốt và an lạc sẽ vô bờ, khó tả hết. Ngập tràn trong một giá trị lớn lao như thế, sẽ không còn chỗ cho mọi thứ bên ngoài chen vào. Khi đã sống được là chính mình rồi thì tùy thời, tùy duyên để sống, để tùy thuận trên mọi công việc, nhưng đầy trí tuệ, đủ năng lực tự chủ, ngập tràn an vui, thì cái gì có thể chi phối khiến cho chúng ta phải sai lầm hay đau khổ được nữa? Lúc này mới cảm nhận hết giá trị “được sống là chính mình”.
——————————–
facebook – PHÒNG PHÁT HÀNH DẦN NGUYỆT
www.dannguyet.com.vn