Tầng lớp “thượng lưu” và ảnh hưởng của họ tới xã hội

Đã lâu tôi không đề cập chuyện “chính trị”. 25 năm trước, tôi bắt đầu làm báo với mong ước thầm lặng là mình có thể góp một tay làm xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng dần dà, tôi nhận ra đó là một ảo tưởng. Lạ thế, đất nước càng khá giả hơn thì sự khốn khổ và sợ hãi của con người lại càng lớn hơn.

9 sh thuong ngay

 

Con người đang rơi vào một nỗi sợ hãi khủng khiếp mang tên “sống”, khi sự hoảng loạn dây chuyền mang tên bệnh tật, thực phẩm bẩn, an ninh kém, giáo dục tồi, ô nhiễm, tham nhũng, tha hóa…. lan tràn khắp nơi. Nếu theo dõi tin tức, ta cảm thấy như mình đang sống trong địa ngục.

Rất nhiều người tôi quen biết đang đấu tranh cho sự thay đổi chính quyền, lật đổ, đa đảng phái … Tôi không có ý kiến, đó là chuyện riêng của mỗi người. Riêng tôi, tôi không tin vào những cuộc cách mạng, những sự đổ máu, bạo lực. Tôi không tin vào sức mạnh của “đám đông”. Thứ sức mạnh mù quáng đó có thể phá nát mọi thứ, nhưng liệu nó có khả năng xây lên nổi một thứ gì sau cái đám đổ nát đó không?. Chỉ cần có kiến thức sơ đẳng về lịch sử đều có thể có câu trả lời rõ ràng.

Người Hà Nội ngày xưa thường được tiếng thanh lịch, tao nhã. Thực ra Hà Nội ngày xưa cũng như bây giờ, cũng có nhiều người lao động, người thuộc các tầng lớp khác nhau. Nhưng tầng lớp “thượng lưu” (từ này tôi không dùng chỉ người giàu có, mà là chỉ tầng lớp trí thức) của thành phố – dù không chiếm tỷ lệ lớn, đã có sức mạnh thầm lặng chi phối xã hội, tạo ra một không khí cao nhã, tinh túy của “cốt cách Hà Nội”. Cách sống của các gia đình trí thức (bác sĩ, kỹ sư, giáo viên …..); những giá trị mà họ trân trọng, gìn giữ; cách họ dạy con cái; cách họ nói năng cư xử với người khác dù ở tầng lớp nào; cách họ ăn uống, thưởng thức nghệ thuật, thái độ làm việc, học tập nghiên cứu … tất cả tạo nên những chuẩn mực cho cả xã hội và có ảnh hưởng rất mạnh tới tầng lớp dưới/khác.

DAN NGUYET

 

Tôi nhớ khi mình còn đi học cấp 3, học trường trên phố. Phố tôi ở là ngoại ô, nên hầu như chỉ toàn dân lao động. Bọn con trai cùng phố nhiều cậu bỏ học sớm. Các cậu ấy thích chặn đường tôi đi học về để trêu chọc. Ngày nào tôi cũng phải chịu trận. Rồi một hôm, tôi ức quá liền văng ra một câu chửi. Hai cậu trai ngẩn người ra nhìn tôi rồi bảo: Tớ không thể ngờ Hoa cũng biết chửi bậy. Tôi không bao giờ quên phút đó. Từ đó các cậu ấy không bao giờ trêu tôi nữa và tôi cũng không bao giờ chửi bậy nữa. Phố tôi lúc đó chỉ có tôi và Hương là con nhà giáo, nền nếp quy củ. Với các bạn cùng phố, chúng tôi là một kiểu mẫu khác, có sức ảnh hưởng đặc biệt.

Tới giờ, gặp lại bạn học, nhiều bạn làm xe ôm, bán bánh mì …nhưng các bạn vẫn nói chuyện với chúng tôi với một sự tôn trọng đặc biệt. Không ai văng bậy trước mặt tôi. Tới những năm đầu thập kỷ 90, tôi và con gái hay đi xích lô đi chơi, các bác đạp xích lô già vẫn gọi tôi là “thưa cô”, rất kính trọng. Các thầy cô của chúng tôi lúc đó cũng cao nhã, lịch sự, nghiêm cẩn, trọng mình trọng người, sống ngay thẳng, không buông tuồng. Hà Nội lúc đó tầng lớp nào ra tầng lớp đó. Không thể lẫn lộn.

Chính tầng lớp trí thức đó đã tạo lập thành danh hai chữ “thanh lịch” của Hà Nội.

Lại quay lại tình trạng không ít người luôn phê phán hiện trạng đời sống hay đang “đấu tranh” cho sự khai sáng, thích đả kích thói hư tật xấu và sự suy đồi của xã hội, chỉ trích chính phủ, chỉ trích dân … Tôi từng quen chủ một website tên tuổi về “nâng cao dân trí”. Nói rất hay, cho tới khi anh ta xung phong nhận giúp tôi một việc và sau đó mang con bỏ chợ, hậu quả là việc lẽ ra tôi làm xong trong 2 tuần thì mất 4 tháng. Tôi thấy một nữ trí thức lớn mang con đi chơi và đứa trẻ thản nhiên vứt toạch hộp sữa uống dở xuống đường mà mẹ nó không hề phản ứng gì. Tôi dự những cuộc hội thảo mà các giảng viên đại học thản nhiên nói bậy, đến muộn, làm việc riêng. Những chuyện như thế nhiều vô kể.

Từ lớn như nói dối, luồn lọt, đến nhỏ như vứt rác, nói bậy, ăn mặc suồng sã, cư xử buông tuồng … Số người đủ bản lĩnh nói không với cái xấu, cái thấp kém rất ít. Tôi chứng kiến một nhà báo nhiệt thành đấu tranh để “chống lại tệ nạn”, nhưng đi xe máy bị công an giữ vẫn hồn nhiên giơ thẻ ra xin. Những điều đó tưởng rất nhỏ nhưng chính là sự tha hóa (*). Phần vô cùng đông người “có học” đã tự tha hóa bản thân để sống hòa tan với các tầng lớp khác, khiến cho sự phân định chuẩn mực trong xã hội không còn rõ ràng nữa.

Nếu bạn vẫn chạy trường chạy lớp cho con, vẫn biếu tiền cô giáo thì đừng phàn nàn ngành giáo dục xuống cấp. Nếu bạn sẵn sàng ngồi lê ăn quà ngoài vỉa hè thì đừng trách nạn thực phẩm bẩn, thiếu vệ sinh. Nếu bạn còn chạy chọt biếu quà cho quan chức thì đừng trách nạn tham nhũng phát triển. Tương tự như vậy với mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống.

Xã hội muốn biến đổi sâu xa về chất, không phải cần một cuộc “tổng khởi nghĩa” 1945 lần nữa. Một năm 1945 đã đủ bài học cho người Việt.

Trong đời sống một con người, cái đầu dẫn dắt toàn bộ. Tư tưởng có tính quyết định cho sự phát triển cá nhân về mọi phương diện, điều đó đã được thừa nhận từ cả tâm linh lẫn khoa học. Trong đời sống xã hội cũng như vậy. Chỉ có sự phát triển của tư tưởng mới tạo ra sự thay đổi về chất bên trong và là nguồn của sự phát triển bền vững. Tầng lớp trí thức chính là nguồn tư tưởng của xã hội. Nhìn rộng ra thế giới, các nước phát triển đều dựa trên điều này. Và điều đó chỉ có được khi họ có một tầng lớp trí thức thượng lưu chuẩn mực.

Việt Nam bây giờ thiếu hẳn một tầng lớp trí thức thượng lưu có khả năng định hướng chuẩn mực cho xã hội như vậy. Một “core team” để giữ cho tinh thần đất nước cân bằng. Một tầng lớp trí thức sống đàng hoàng, bản lĩnh, tự trọng, sang trọng, cao quý, không luồn cúi, không sợ hãi, ham hiểu biết, thông minh, sáng suốt, vững vàng kiên định. Một tầng lớp được nuôi dưỡng bởi những giá trị tinh thần đầy sức mạnh, chứ không bị chi phối bởi sức mạnh tăm tối tham lam của đồng tiền. Chỉ có họ mới có khả năng tạo sự biến đổi thực sự bền vững.

* Làm rõ thêm khái niệm tha hóa:

Ở phương Tây, khái niệm tha hóa nói chung, chỉ tình huống con người chạy theo những giá trị ngoại lai, tự biến thành “kẻ khác”, và do đó luôn đánh mất chính mình, xóa bỏ những giá trị độc đáo thiết thân của con người và của cá nhân.

Tin Liên Quan